Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham vọng tàu chiến của kình địch khiến Trung Quốc dè chừng?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - New Delhi đang ấp ủ tham vọng hiện đại hóa hải quân với việc đầu tư thích đáng vào biệt đội tàu sân bay và tàu ngầm.

Ấn Độ đang lên kế hoạch mở rộng lực lượng hải quân quy mô lớn nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ. Nguồn: Asia Times
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ. Nguồn: Asia Times

Nhiều nguồn tin cho hay, Hải quân Ấn Độ sẽ đặt mua một tàu sân bay tương tự với tàu INS Vikrant đầu tiên của họ và rục rịch sắm sửa các loại tàu ngầm, gồm 3 tàu ngầm hạt nhân và 6 tàu ngầm chạy điện diesel.

Theo giới phân tích, Hải quân Ấn Độ sẽ có khoảng 155-160 tàu chiến trong năm 2023, đồng thời đặt mục tiêu có ít nhất 175 tàu chiến vào năm 2035. Bên cạnh đó, họ cũng trang bị thêm một số phương tiện như: trực thăng, máy bay và máy bay không người lái.

New Delhi buộc phải gấp rút cho những kế hoạch này vì không muốn kém cạnh Bắc Kinh, nhất là khi quốc gia tỷ dân sẽ có khoảng 555 tàu chiến trong vòng 5-6 năm tới.

Tuy vậy, nhiều khó khăn đang cản bước Ấn Độ trước một kình địch vốn có nhiều ưu thế. Cho đến nay, New Delhi vẫn chưa chấp thuận yêu cầu của hải quân về trang bị chiếc tàu sân bay thứ ba – một dự án ngốn đến 10 năm.

Tiếp theo, việc phải mất hơn một thập kỷ Ấn Độ mới chế tạo và phát triển thành công tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant sẽ khiến New Delhi gặp nhiều thách thức hơn trong những lần tiếp theo. Theo Asia Times, những khó khăn về kỹ thuật, tài chính, mua sắm trang thiết bị và tham nhũng khiến Chính phủ Ấn Độ mất tận 13 năm để đưa tàu INS Vikrant vào sử dụng.

Bên cạnh đó, các tàu sân bay mà New Delhi sở hữu đang tỏ ra yếu thế hơn so với đối thủ khi số lượng máy bay còn hạn chế. Việc tàu INS Vikramaditya chỉ có 24 máy bay chiến đấu MiG-24K và INS Vikrant có 30 chiếc buộc lực lượng hải quân phải phân bổ hợp lý số lượng dành cho tấn công và phòng thủ. Nếu tàu sân bay thứ ba được trang bị, Hải quân Ấn Độ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong mở rộng kế hoạch tác chiến.

Để khắc phục những khó khăn này, Ấn Độ đang hợp tác với Pháp trong các chương trình tàu ngầm hạt nhân, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng công nghệ cao vốn có, gồm tàu ngầm tấn công thông thường và máy bay chiến đấu.

Vào tháng 7/2023, tờ The Print đưa tin Ấn Độ và Pháp đang lên kế hoạch phát triển sáu tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, sau hơn một năm đàm phán kín, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Cũng theo tờ báo này, Pháp muốn tăng cường hợp tác tàu ngầm với Ấn Độ.

Trước đây, Pháp đã giúp Ấn Độ xây dựng hạm đội tàu ngầm thông thường. Vào tháng 1/2023, Asia Times cho biết hai quốc gia đã tiến tới thỏa thuận hợp tác về động cơ đẩy sử dụng không khí riêng (AIP) giúp nâng cấp hạm đội tàu lớp Kalvari của New Delhi. Công nghệ này giúp các tàu ngầm thông thường có thể lặn dưới nước trong vài tuần, tương tự với tàu ngầm hạt nhân.

Tập đoàn Hải quân Pháp và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã quyết định tạo ra pin AIP để trang bị thêm trên tàu ngầm lớp INS Kalvari, một phiên bản của tàu ngầm lớp Scorpene, Pháp.

Ấn Độ đang hướng đến mục tiêu sản xuất 24 tàu ngầm vào năm 2030, gồm 18 tàu ngầm thông thường và 24 tàu ngầm hạt nhân để bắt kịp Trung Quốc. Hiện tại, New Delhi chỉ có 16 tàu ngầm, gồm 2 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN).

Trước những động thái gấp rút của New Delhi, Bắc Kinh vẫn thản nhiên khi cho rằng với năng lực quân sự hiện tại, New Delhi phải mất đến 10 năm mới bắt kịp được mình. Quốc gia tỷ dân cũng tin rằng kho vũ khí của Ấn Độ không có khả năng uy hiếp do mối quan hệ phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa hai bên.