Thận trọng nới hạn mức tín dụng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, tăng trưởng tín dụng 10 tháng năm 2018 quanh mức 10,5%, mức thấp nhất trong bốn năm trở lại đây (từ 2015).

Với mức độ này, phần còn lại theo chỉ tiêu khoảng 17% cả năm mà Ngân hàng Nhà nước dự tính đầu năm (có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế) là rất lớn.

Phân bổ theo năng lực

Thị trường tiếp tục ghi nhận một số NHTM được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng Quân đội (MB) vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng dự báo tăng trưởng tín dụng của MB lên mức 17% trong năm nay, sau khi đã được NHNN nâng chỉ tiêu (so với mức 15% giao đầu năm). Trước đó, Techcombank cũng đã được NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20% năm. VP Bank là 17% thay vì 15% được giao hồi đầu năm.
 Hoạt động giao dịch tại chi nhánh BIDV Thanh Xuân. Ảnh: Chiến Công
Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%. Đến hết tháng 9/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn hạn mức tín dụng (room) tín dụng được cấp. Việc nhiều ngân hàng đã "cạn" room tín dụng đồng nghĩa với việc khiến nhiều DN cũng lâm vào tình trạng khó khăn về vốn. Theo phản ánh của một số DN, hiện nay họ đang phải "xếp hàng" chờ vay vốn bởi năm nay các ngân hàng không còn chỉ tiêu cho vay mới, thậm chí có những khoản vay nhỏ cũng phải “chờ”. Trước thực tế này, nhiều ngân hàng đã xin nới room. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ số lạm phát dự kiến đến cuối năm vẫn duy trì như mục tiêu đề ra, thay vì áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN nên nghiên cứu phân bổ tùy theo năng lực của mỗi ngân hàng. Cách phân bổ này có thể áp dụng cho một số ngân hàng yếu mà chưa đảm bảo chỉ số an toàn vốn tối thiểu. Còn đối với những ngân hàng lành mạnh có thể áp dụng chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu và các chỉ tiêu về quản lý rủi ro để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng.

"Để có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thuận lợi, mỗi tổ chức tín dụng (TCTD) cần nâng cao hơn nữa năng lực tài chính. Ngoài ra, bên cạnh chỉ tiêu được giao, TCTD nào muốn cho vay nhiều hơn thì TCTD đó phải xử lý được nhiều nợ xấu hơn để tạo nguồn cho đầu ra, cũng như tự tạo dư địa cho mình. " - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Hướng dòng vốn vào sản xuất

Theo Tổng cục Thống kê, GDP cả năm có thể đạt mức 6,84%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra. Cũng chính từ sự hỗ trợ của GDP, theo Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), nhiều khả năng NHNN cũng rất thận trọng từng bước và dù nới room tín dụng cho các ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng 2018 cũng chỉ 15 -16% thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 1 - 2%.

Trong buổi làm việc với đại diện một tổ chức quốc tế, lãnh đạo NHNN cho biết, phương châm điều hành của NHNN mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, hướng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro. Hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, đồng thời cân đối nguồn vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản... Theo đó, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động, phối hợp điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Thực tế, trong số những ngân hàng nới hạn mức tín dụng thì MB là một trong số ít thành viên đã sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn, cũng như kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp so với bình quân ngành thời gian qua. Techcombank cũng là thành viên đã sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây.