Tháng 3/2020, xâm nhập mặn tại Nam Bộ tiếp tục gay gắt, có nguy cơ đạt kỷ lục năm 2016

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định được Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia đưa ra trong báo cáo mới nhất về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ.

Khu vực Nam Bộ tiếp tục hứng chịu xâm nhập mặn rất gay gắt. Ảnh minh họa. 
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, khu vực Nam Bộ đang trong thời kì ít mưa; khả năng chỉ xuất hiện mưa dông cục bộ vài nơi với lượng mưa không nhiều. Xu thế xâm nhập mặn trên các sông từ ngày 1 - 5/3/2020 được nhận định là giảm dần và độ mặn cao nhất tuần tại các trạm ở mức thấp hơn.
Trong thời kỳ này do ảnh hưởng của kỳ triều thấp, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo ở cấp độ 1 - 2.
Liên quan đến xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020, cơ quan khí tượng thuỷ văn cho rằng, dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 - 20%. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.
Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020, đặc biệt là thời kỳ từ 6 - 15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3 năm 2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.