Tháng 5 về Đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bạc Liêu là vùng đất mang nhiều dấu ấn văn hóa tâm linh đặc sắc. Một trong những địa điểm nổi tiếng không thể bỏ qua khi đến Bạc Liêu là Đền thờ Bác Hồ có từ thời chiến, cũng là nơi minh chứng cho lòng dân nơi đây luôn hướng về Đảng, về Bác.

Dựng Đền thờ Bác trong tầm pháo giặc

Cách trung tâm TP Bạc Liêu hơn 10km về hướng Đông Bắc, Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, cách trung tâm huyện này khoảng 5km về hướng Tây Nam. Lịch sử hình thành và quá trình gìn giữ Đền thờ là một câu chuyện ly kỳ của Đảng bộ và Nhân dân xã Châu Thới Anh hùng.

Đền thờ Bác tại xã Châu Thới, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
Đền thờ Bác tại xã Châu Thới, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Năm 1969, sau khi Bác mất, quân dân xã Châu Thới cùng đồng tâm nguyện chung phải xây dựng Đền thờ Bác ngay tại quê hương, để ngày đêm hương khói cho Người. Đây cũng là cách người dân vùng Châu Thới đáp lại lòng thương nhớ mong mỏi của Bác luôn hướng về miền Nam ruột thị, củng cố thêm niềm tin chiến thắng vào con đường Cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Đền thờ nằm trong tầm pháo giặc, luôn chực chờ chịu những trận pháo, nên việc xây dựng lại càng khó. Các bậc cao niên trong vùng cho biết, việc mua vật liệu để xây dựng phải bí mật ngụy trang đi qua nhiều đồn bốt của địch dày đặc. Vậy nên, Nhân dân xã Châu Thới xung phong chia nhau đi mua vật liệu, mỗi người mua một ít, chia ra mua làm nhiều lần…

Vừa dựng lên, sau trận bắn phá, giặc lại kéo đến đốt phá. Sau 2 lần như vậy, tháng 3/1970, theo nguyện vọng của Nhân dân trong vùng và thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi, Đảng ủy xã Châu Thới quyết tâm tiến hành xây dựng Đền thờ Bác kiên cố bằng xi măng, cốt sắt. Sau thời gian dài chuẩn bị, lúc 10 giờ ngày 25/4/1972, Đảng ủy xã Châu Thới đã làm lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác.

Sau 24 ngày đêm dưới làn đạn pháo của địch từ Tiểu khu Bạc Liêu và trực thăng của giặc bố ráp từ Sóc Trăng xuống, Nhân dân và Đảng ủy xã Châu Thới đã hoàn thành việc xây dựng Đền thờ. Sáng 19/5/1972, trùng ngày sinh nhật Bác, lễ khánh thành Đền thờ được diễn ra trang nghiêm với sự tham dự của trên một nghìn người dân trong xã và chiến sĩ.

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng dưới làn pháo địch.
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng dưới làn pháo địch.

Diện tích Đền thờ chỉ rộng 18,24m2, nhưng những câu đối, liễn trên Đền đã làm quân dân Vĩnh Lợi không cầm được nước mắt: “Cơm no áo ấm nhớ ơn Đảng - Độc lập tự do nhớ Bác Hồ”; “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến”, “Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”...

Việc xây dựng Đền thờ ngay trong lòng địch đã khó khăn, việc bảo vệ Đền thờ càng khó khăn gấp bội. Sau khi đền thờ hoàn thành, địch thường xuyên huy động các phương tiện đánh phá hòng xóa bỏ tình cảm của người con miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Quân dân xã Châu Thới đã tổ chức thành lập Đội bảo vệ Đền thờ, cùng các lực lượng du kích địa phương, quyết tâm bảo vệ Đền thờ Bác. Nhiều trận đánh ác liệt không cân sức đã diễn ra. Nhưng với sự dũng cảm mưu trí của quân dân Vĩnh Lợi đã đẩy lui giặc, bảo vệ an toàn Đền thờ.

Người dân viếng Bác tại đền thờ.
Người dân viếng Bác tại đền thờ.

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa (Bảy Khoa) - nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác nhắc lại chuyện đồng đội đi nhặt những trái pháo lép của địch hay lấy trộm lựu đạn của chúng để gài xung quanh ngăn chặn giặc phá Đền.

Ông Bảy Khoa kể: “Sau rất nhiều đợt bắn phá, càn quét, vào tháng 3/1973,  địch tiếp tục dùng 4 máy bay trực thăng bay từ Sóc Trăng xuống định tiêu diệt Đền thờ. Lập tức, 4 cán bộ trong Đội bảo vệ gồm Mẫn, Sệt, Hoặc và Đức đã dũng cảm và mưu trí chia ra 4 hướng, dùng súng M16 bắn về phía chúng, thu hút 4 chiếc máy bay địch ra khu vực đồng trống khiến địch mất phương hướng, không tìm được mục tiêu nên đành quay về.

Mấy ngày sau, tên thiếu tá chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Bảo an 411 ngụy dẫn hơn 300 quân vào Đền phát quang, bắt hàng trăm dân địa phương kể cả người già, trẻ em vào phá Đền. Nhưng toàn thể người dân đều nhất quyết phản đối: “Các ông có bắn chết hết, chúng tôi cũng không dám dẫn các ông vào khu vực Đền thờ, vì xung quanh có bãi mìn dày đặc, đến đó chỉ có đường chết mà thôi”. Trước tình hình đó, tên chỉ huy phải lệnh cho bọn lính run sợ rút lui”…

Nơi lòng dân hướng về Đảng, Bác Hồ

Đất nước thống nhất, quân dân lại góp của góp công nhiều lần tôn tạo, trùng tu, ngôi đền nhỏ đơn sơ ngày nào đã trở thành khu di tích lịch sử quy mô lớn, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1998.

Từ sau ngày 30/4/1975, Đền thờ là địa điểm để tổ chức những hoạt động văn hóa chính trị xã hội quan trọng của địa phương, là nơi tỉnh, huyện họp mặt những ngày truyền thống, nhất là dịp Sinh nhật Bác 19/5, Quốc Khánh 2/9…

Đền thờ Bác Hồ nhìn từ trên cao.
Đền thờ Bác Hồ nhìn từ trên cao.

Hiện nay, Đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng to đẹp hơn trên một khuôn viên đất rộng 11.000m2 với các kiến trúc chính: Đền thờ Bác Hồ, nhà bao che đền, nhà trưng bày, hội trường và phòng làm việc, khu dịch vụ và khu vườn được trồng nhiều loại cây xanh.

Đặc biệt, trong khuôn viên di tích nổi bật với hồ sen thơm ngát. Đây được đánh giá là một trong những Đền thờ Bác đẹp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đền thờ không những là niềm tự hào của quân và dân Bạc Liêu, mà còn là địa chỉ đỏ để đông đảo du khách và Nhân dân các nơi thăm viếng…

Viếng Đền thờ Bác Hồ, nhìn những hiện vật đơn sơ nhưng chan chứa tình cảm, rồi nghe người dân nơi đây kể chuyện mới hiểu được lòng dân đối với Đảng, đối với Bác Hồ, mới thấm hết ý nghĩa của câu “Bác Hồ sống mãi trong trái tim miền Nam”.

Đến với khu di tích này, du khách sẽ gặp được những chiến sĩ đã từng chiến đấu kiên cường để bảo vệ Đền thờ. Được thấy tinh thần anh dũng và sự mưu trí của quân dân Bạc Liêu thông qua những hiện vật được trưng bày tại đây.

Một hiện vật rất nhỏ, nhưng là một câu chuyện đầy xúc động. Đó chính là hai mảnh vải đen và đỏ của cô Lê Thị Đầm và ông Nguyễn Văn Phấn trong buổi lễ truy điệu Bác tại Đền thờ, được hai người cất giữ từ năm 1969 đến nay…