Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng 7 - tháng tri ân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, hàng triệu tấm lòng đang hướng về những địa danh lịch sử, những nghĩa trang trên cả nước từ Bắc vào Nam; những nén hương thơm, nhành hoa tươi được thành kính dâng để tưởng nhớ các anh hùng - liệt sĩ.

Những chuyến thăm, phần quà ý nghĩa được trao đến từng gia đình người có công… Tháng 7 - tháng tri ân với trọng tâm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 luôn để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khó quên và cả niềm tự hào dân tộc.

Tháng 7 - tháng tri ân - Ảnh 1

Năm nay, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Vào dịp này, rất nhiều hoạt động tri ân đã và đang được tổ chức trong cả nước. Lẽ dĩ nhiên, tri ân không chỉ trong tháng 7, không chỉ ở Ngày 27/7, mà việc thường xuyên của các thế hệ người Việt Nam hiện nay đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng Tháng 7 như một điểm nhấn để thêm một lần nữa chúng ta ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình, để hiểu hơn về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Trong suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng"… Nhiều chủ trương, chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung.

Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng…

Tại Hà Nội, địa phương có số lượng người có công lớn, chiếm 10% cả nước, TP luôn xác định công tác chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa sâu sắc. Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở hay phải sống trong cảnh nghèo, đời sống ngày càng nâng cao hơn.

Ngoài các chính sách chung, TP cũng có nhiều chính sách đặc thù riêng, đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm cho thành viên gia đình người có công; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở...

Vượt ra ngoài những thống kê đó, toàn thể TP còn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực khác. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được người dân, các tổ chức, đơn vị, DN thực hiện sâu rộng, rất nhiều nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa… đã được trao. Mỗi nơi, mỗi đơn vị đã có những cách làm của riêng mình để tri ân những người có công, để chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Không chỉ chăm lo cho người có công trên địa bàn, với tinh thần “vì cả nước”, Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động hướng về gia đình chính sách tại các địa phương như tặng quà, xây dựng nhà, trao quỹ Đền ơn đáp nghĩa… Và những ngày này, những người con Hà Nội đang tiếp tục nối dài những chuyến đi, mang những phần quà, những nghĩa tình tri ân đến với người có công, thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực.

Dù đã làm được rất nhiều, nhưng dường như vẫn chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi, nhiều trường hợp còn khó khăn... Đây là điều trăn trở và day dứt không chỉ với các cơ quan quản lý nhà nước, mà với cả mỗi người dân. Và ngày 27/7 hàng năm, thêm một lần nữa không chỉ để tri ân, còn để nhắc nhở cần có thêm những giải pháp, chính sách để tháo gỡ những trăn trở ấy.