KTĐT - Kim ngạch XK giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu (NK) tăng cao, trong tháng 11, các doanh nghiệp đã NK một lượng hàng hóa trị giá đạt 6,55 tỷ USD đưa lượng hàng hóa nhập khẩu trong 11 tháng 2009 lên mức 61,6 tỉ USD.
Nhập siêu đã vượt mức cho phép
Theo Bộ Công thương, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng 10. Như vậy trong 11 tháng qua, kim ngạch XK của cả nước chỉ đạt 51,3 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2008. Có như vậy là do một số mặt hàng XK chủ lực như: gạo, cà phê, than đá, dầu thô, cao su… tuy tăng về lượng từ 3,1% đến 19,8% nhưng kim ngạch XK lại giảm mạnh từ 5,8- 41,7% do giá trên thị trường thế giới thấp nên kim ngạch XK giảm so với cùng kỳ năm 2008.
Kim ngạch XK giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu (NK) tăng cao, trong tháng 11, các doanh nghiệp đã NK một lượng hàng hóa trị giá đạt 6,55 tỷ USD đưa lượng hàng hóa nhập khẩu trong 11 tháng 2009 lên mức 61,6 tỉ USD. Điều này khiến mức nhập siêu trong 11 tháng đã lên đến gần 10,4 tỷ USD bằng 20,3% tổng kim ngạch hàng hóa XK, vượt ngưỡng 20% mà Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Theo ông Nguyễn Thành Biên-Thứ trưởng Bộ Công thương: Trong 11 tháng qua trừ hai mặt hàng là dầu ăn và thuốc trừ sâu kim ngạch NK giảm còn hầu hết các mặt hàng NK chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2008 như: Phân bón, thép, ô tô các loại, bông, sợi dệt, cao su, giấy, chất dẻo, hoá chất, lúa mì, vàng và dược liệu.... Ngoài ra việc Ngân hàng Nhà nước cho phép NK vàng để bình ổn cơn sốt giá trong nước cũng khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao; Đáng lưu ý, ô tô nguyên chiếc tăng khá cao lên đến 37% so với cùng kỳ.
Nhiều biện pháp giảm nhập siêu
Theo ông Bùi Xuân Khu-Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương: Việc nhập siêu đã vượt ngưỡng 20% mà Quốc hội đề ra khiến ngành công thương phải tìm mọi cách hạn chế nhập siêu trong tháng 12, bởi đây là tháng cuối năm nên nhu cầu mua sắm của người dân cũng như nguyên liệu sản xuất tăng mạnh. Nếu không có biện pháp hạn chế mà cứ để các doanh nghiệp NK bình thường thì chắc chắn nhập siêu sẽ vượt ngưỡng làm cán cân thương mại sẽ mất cân đối dẫn đến việc thiếu ngoại tệ.
Nhằm kiềm chế hoạt động NK, từ đó giảm nhập siêu trong những tuần cuối cùng của năm 2009, Bộ Công thương đã đề ra một số biện pháp kiềm chế việc NK hàng hóa. Theo đo, Bộ Công thương sẽ tăng cường rà soát, hạn chế NK những mặt hàng không quan trọng, nhất là những mặt hàng xa xỉ như: ô tô, điện thoại di động, mĩ phẩm, rượu ngoại, kể cả rau quả và thực phẩm cũng là mặt hàng được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó Bộ Công thương sẽ có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ hoặc tạm dừng trong tháng 12 không cho vay tiền NK nhất là nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng với các ngành liên quan sẽ có những biện pháp hành chính như: Kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hàng NK, kéo dài thời gian thông quan để các doanh nghiệp NK phải cân nhắc có lợi hay không trong việc NK những mặt hàng chưa thực sự cần thiết tại thời điểm này.
Bên cạnh những biện pháp hạn chế NK, Bộ công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động XK. Tháng cuối năm nhu cầu hàng dệt may, da giầy trên thế giới tăng cao nên ngành dệt may, da giầy Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch XK trong tháng 12. Đối với các doanh nghiệp XK các mặt hàng nông sản như như cà phê, gạo, tiêu… cần tăng cường việc huy động lượng hàng hóa XK tối đa sang các thị trường XK truyền thống cũng như những thị trường mới khai thác.
Ông Khu cho biết thêm: Nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu qua biên giới, các cơ quan quản lý thị trường phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ thị trường, nhất là những mặt hàng xa xỉ phẩm. Đặc biệt chú trọng những những đơn vị NK sử dụng USD trôi nổi là vi phạm quản lý ngoại hối. Yêu cầu Cục xúc tiến thương mại và các ban ngành tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục thông quan XK hàng hóa trong thời gian ngắn nhất./.