Thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 4,5 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 27/6, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thông báo kết quả hoạt động sản xuất của ngành NN&PTNT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng về giá trị tổng sản lượng của ngành là 3,4%, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6%, thủy sản tăng 6%. Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (so với 2,14% của năm 2013).
Thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 4,5 tỷ USD - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chủ trì buổi họp báo.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,17 tỷ USD, tăng 6,9%; thủy sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 28,6%; lâm sản chính ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD. Đó là những tín hiệu cho tăng trưởng ngành nông nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, do có những căng thẳng trên Biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa hai nước Việt – Trung gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, thị trường 6 tháng đầu năm nay gặp khó khăn đột xuất và sẽ có ảnh hưởng trong một thời gian nữa. Hiện nay, nước ta có một số nông sản phụ thuộc nhiều về thị trường Trung Quốc. Cụ thể, về lúa gạo và cao su, thị trường Trung Quốc chiếm 40% tổng số lượng xuất khẩu hai mặt hàng này. Một số mặt hàng khác như thanh long, bột sắn chiếm 80 – 90% là xuất sang Trung Quốc.

Trước vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã rà soát các thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các nước để mở cửa thị trường. Còn ở trong nước, Bộ đã làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để làm rõ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh sản xuất. Đối với sản xuất, rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp quy mô sản xuất…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần