Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Siết quản lý gắn với phòng, chống dịch

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Mục tiêu của TP là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ATTP cho sức khỏe của người dân.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền

Ngay sau khi Kế hoạch số 93/KH-UBND của UBND TP về triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021 được ban hành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức triển khai sâu rộng đến các cấp, ban ngành và mọi tầng lớp Nhân dân. Trong đó, tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đơn cử như tại quận Long Biên, chính quyền các cấp đã công khai số điện thoại thường trực của các điểm cảnh báo về ATTP trên website của quận, phường, hệ thống phát thanh, bảng tin tổ dân phố… để người dân biết, thông tin các vấn đề nóng phát sinh. Tại quận Tây Hồ, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã triển khai sâu rộng hai mô hình “Hai dao, hai thớt” và “Phụ nữ thay đổi hành vi trong ATTP”. Các phòng, ban phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về sản xuất, kinh doanh ATTP gắn với phòng, chống dịch Covid-19 cho các chủ thể…
 Lực lượng chức năng lấy mẫu thực phẩm để phân tích các chỉ tiêu an toàn của một cơ sở tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Các hình thức thông tin, tuyên truyền cũng được đa dạng hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, địa phương hiện duy trì việc phát thanh bản tin về ATTP với tần suất hai lần/ngày. Đồng thời tiến hành cấp phát về các xã, thị trấn 115 băng zôn, khẩu hiệu phục vụ cổ động trực quan. Thời gian qua, huyện cũng đã ra mắt 6 mô hình chi hội ATTP…

Xử lý nghiêm vi phạm

Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ATTP gắn với phòng, chống dịch Covd-19, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND 30 quận, huyện, thị xã cũng tập trung vào thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế. Đơn cử như tại quận Long Biên, lực lượng chức năng đã kiểm tra 406 cơ sở, xử phạt vi phạm 27 đơn vị. Quận Tây Hồ đã thực hiện giám sát hoạt động 686 cơ sở, xử phạt hành chính 72 đơn vị. Trong khi huyện Thạch Thất cũng có 31/113 cơ sở được kiểm tra bị nhắc nhở, xử phạt do vi phạm quy định về ATTP…

Theo đánh giá, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực tế trong thời gian qua, nhiều cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động. Điều này dẫn tới việc duy trì các điều kiện sản xuất, kinh doanh ATTP của nhiều đơn vị gặp khó khăn, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì ATTP ít hơn dự kiến. Tuy nhiên, không vì thế mà công tác này bị xem nhẹ.

Thời gian tới, bà Hằng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, quận, huyện lên kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa được sử dụng nhiều trong mùa nắng nóng. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm để người dân biết. Đồng thời, duy trì các mô hình bảo đảm ATTP, kiểm soát chặt, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng như lây lan của dịch Covid-19.

"Hiện nay, mức xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ đối với hành vi kinh doanh sản phẩm hết thời hạn sử dụng còn thấp. Do đó, kiến nghị TP đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, nâng mức xử phạt lên cao gấp 3 - 4 lần hiện nay để tạo sức răn đe." - Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần