Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thăng trầm làng sơn mài Hạ Thái

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Thường Tín là "đất danh hương - đất làng nghề". Bởi lẽ, trên diện tích 127,59km2 của huyện có đến 126 làng nghề và 44 làng nghề được công nhận làng nghề cấp TP. Những làng nghề nổi tiếng mà chỉ thoáng nhắc cũng làm người ta nhớ đến vùng "đất danh hương" như nghề thêu Quất Động hay sơn mài Hạ Thái đã có hơn 200 năm lịch sử…

Nghề "dâng vua"

Làng nghề sơn mài Hạ Thái tiền thân là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng, sau đổi tên thành làng Đông Thái và nay là Hạ Thái với công việc chính là sơn son thếp vàng các đồ vật dâng vua, chúa và hoàng tộc. Tuy không phải ông tổ nghề này, nhưng phường sơn son thếp vàng Cự Tràng là một nơi được trọng dụng vì có nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho tầng lớp quý tộc và vua chúa lúc bấy giờ, nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua". Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn. Những nghệ nhân của làng ra nước ngoài học khi trở về đã có những tìm tòi sáng tạo, kỹ thuật mài được tìm ra, phát triển thành kỹ thuật sơn mài ứng dụng trong những sản phẩm của phường. Và cái tên "làng sơn mài" cũng ra đời từ đó. Tranh sơn mài của Hạ Thái sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen. Những sản phẩm đa dạng hơn cũng bắt đầu được phát triển.

 
Những sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái.
Kinhtedothi - Những sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái.
Hòa bình lập lại, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, làng Hạ Thái hình thành các HTX sản xuất sơn mài và xuất sang thị trường các nước Đông Âu. Sau năm 1990 sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và các nước Đông Âu khiến thị trường sơn mài xuất khẩu bị đóng băng, các sản phẩm không có thị trường để tiêu thụ. Cho tới năm 1995, thị trường sơn mài xuất khẩu mới khởi sắc trở lại và đạt đỉnh cao vào những năm 1998 - 2008 như một minh chứng xứng đáng cho lòng yêu nghề và giữ nghề của người dân làng Hạ Thái  với 70% tổng sản phẩm sơn mài là hàng xuất khẩu, thu về lên tới 70 tỷ đồng. Thị trường khởi sắc đã tạo công việc cho hơn 744 hộ gia đình trong làng và thu hút hàng ngàn lao động từ các địa phương khác tới đây tìm việc. Cho tới nay, làng Hạ Thái vẫn tiếp tục trên con đường phát triển, tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn…

Đau đáu làng nghề ….

Ban đầu, những sản phẩm của làng sơn mài Hạ Thái chủ yếu dùng để trang trí không mang tính ứng dụng trong thực tiễn. Chính đặc điểm riêng biệt này đã khiến cho đầu ra của sản phẩm trở thành bài toán khó. Muốn duy trì được nguồn cung ứng, buộc làng nghề phải có sự thay đổi từ chính những sản phẩm của mình. Hạ Thái đi vào công cuộc tìm tòi những mẫu mã mới hơn, đa dạng và bắt mắt, giá thành hợp lý và tính ứng dụng cao để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng, cũng như tăng sức cạnh tranh so với các mặt hàng khác. Những sản phẩm như lọ hoa, chén bát, hộp khay… sơn mài lần lượt tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Anh Đỗ Hùng Chiêu - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy - một trong những doanh nghiệp uy tín về sơn mài Hạ Thái cho biết: "Những người giỏi về nghề thì có những hạn chế nhất định về mặt tiếp cận thị trường, quảng cáo hay truyền thông sản phẩm của mình. Họ chỉ biết làm mà không nắm rõ được thị hiếu người dùng như thế nào hay làm cách nào để nhiều người biết đến sản phẩm của mình. Vậy nên các doanh nghiệp và Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái đã ra đời để giúp nghệ nhân có thể đưa sản phẩm của mình đi xa hơn".

Nghệ nhân Đỗ Trọng Tuất, 78 tuổi, chia sẻ, ông luôn mong nghề nghiệp của ông cha để lại có người kế tục. Thế nhưng chỉ 50% tổng số những bạn trẻ trong làng có ý thức về nghề truyền thống, số còn lại chỉ lo làm theo sản phẩm chứ không hề dồn tâm huyết vào công việc thủ công này. Theo ông, nghề thủ công nào cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, sự tinh tế của người thợ và óc sáng tạo tài hoa trong công việc.

Lớp trẻ bây giờ nhiều người không đủ kiên nhẫn và sáng tạo để tạo nên sản phẩm thủ công tinh tế từ đôi tay của mình. Nhiều bạn sau khi đã kết thúc bậc học phổ thông đều tìm kiếm cho mình con đường lập nghiệp ở nơi đất khách quê người và những ngành nghề "hot" theo trào lưu xã hội. Những thanh niên còn gắn bó với nghề hiện nay thường là những bạn không đủ điều kiện theo học cao đẳng, đại học hoặc đã bỏ học, theo gia đình làm nghề kiếm sống. Ông Tuất chỉ mong lớp thanh niên làng nghề có thể ra ngoài xã hội học hỏi và đem cơ hội về cho làng nghề của mình. Làng nghề đang dần "già" đi, cần có người kế tục những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại, cũng như mang cái mới, tân tiến về với xóm làng, thổi hồn vào sản phẩm của làng nghề. Nếu không, chỉ một thời gian ngắn nữa, khi lớp các nghệ nhân có tuổi về với cát bụi, làng nghề sẽ chỉ còn là một cái tên khi người ta nhắc đến.