Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thang Trần Phềnh - bậc tiên khởi của mỹ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thang Trần Phềnh (1895 - 1972) là một trong những họa sĩ đầu tiên của hội họa Việt Nam hiện đại, trước khi vào học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cũng chính ông đã mở đầu cho nền mỹ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại.

Tác phẩm tranh sơn dầu Phạm Ngũ Lão.
Tác phẩm tranh sơn dầu Phạm Ngũ Lão.

Tự học trở thành họa sĩ

Thang Trần Phềnh (tức Trần Văn Bình, tự Đạt Siêu) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cha là ông Thang Thọ Ký (người lai Trung Quốc), mẹ là Lê Thị Ngát (người Việt Nam). Lúc còn nhỏ, ông học chữ Hán, lớn lên học chữ Pháp, đến năm 1910 vào học Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ/Trường Bưởi).

Từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu, niềm đam mê hội họa và được người cha khuyến khích, tạo điều kiện phát triển tài năng.

Trong hồi ký của mình, ông kể rằng, năm 1911, bức tranh “Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn”, kích thước 30 x 60cm, vẽ bằng thuốc nước trên giấy của ông được gửi tham dự đấu xảo Hà Nội và được bán cho một vị khách tên Georges Bois. Ông khách này còn hỏi đến tận nhà riêng, đặt mua thêm hai bức khác. Kể từ đó, Thang Trần Phềnh được tiếng vẽ tranh đẹp, rất nhiều người tìm đến mua, phần nhiều là người Pháp, người Đức ở Sở Dầu Cầu Đất, hiệu Ogliastro bán vải và phẩm nhuộm, một số nhà binh Pháp.

Khi học Trường Bưởi, Thang Trần Phềnh luôn đứng nhất môn hội họa và thường vẽ tranh để bày bán trong hiệu buôn của cha. Tốt nghiệp Trường Bưởi, ông vẫn miệt mài luyện vẽ, nhất là môn sơn dầu và màu nước. Ông vẽ “phông” trang trí sân khấu cho các rạp hát, minh họa cho các báo ở Hà Nội, minh họa cho quyển Nghệ thuật ở Huế của hội Những người bạn cố đô Huế.

Trong nhiều năm liền tranh của ông luôn được bày và đoạt giải trong các cuộc Đấu xảo Mỹ thuật. Tác phẩm quan trọng nhất thời kỳ này là Phạm Ngũ Lão (sơn dầu, 71 x 95cm, 1923), Hai Bà Trưng (sơn dầu, 0,9 x 1,2m). Ông Vũ Đình Long, trong bài Khảo về lối thủy họa đăng trên Nam Phong tạp chí số 77 và 78, lúc Thang Trần Phềnh chưa vào học Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã viết: “Cái tài họa của ông Trần Phềnh thì chúng tôi không cần ca tụng.

Ông có tranh đấu xảo đã 8 năm nay: lần đầu (1913) chỉ được có Bằng khen, năm sau được Giải Nhì. Từ năm 1915 đến nay, năm nào cũng chiếm giải Nhất, thế mà từ xưa tới nay chưa ai từng được giải Nhất về thủy họa mỹ thuật. Ông chuyên cả vẽ sơn, những bức phông có giá trị nhất của các rạp hát là do tay ông vẽ vậy”.

Theo hồi ký của Thang Trần Phềnh và bài viết của Vũ Đình Long, ta có thể biết, từ trước khi vào học Trường Mỹ thuật Đông Dương, Thang Trần Phềnh đã là một họa sĩ nổi tiếng, cả về sơn dầu lẫn màu nước bằng con đường tự học. Trên Nam Phong tạp chí số 78 cũng đã có in tranh màu nước “Chùa một cột Hà Nội” của Trần Phềnh.

Năm 1925, Thang Trần Phềnh thi vào khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng không đỗ - một sự bất ngờ của họa giới và dư luận lúc bấy giờ. Ông đỗ và vào học khóa 2, năm 1926, cùng các ông Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, An Sơn Đỗ Đức Thuận… là những họa sĩ nổi tiếng sau này.

Trong thời gian học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, ông vẽ khá nhiều, trong đó có Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 45 x 38,5cm, 1927), Chân dung ông Chu (sơn dầu, 37 x 49cm, 1927) rất nổi tiếng.

Giai đoạn 1931 - 1933, ông không chỉ vẽ sơn dầu, màu nước mà còn vẽ tranh lụa, sơn mài. Nhiều tác phẩm của Thang Trần Phềnh được gửi sang triển lãm ở Pháp, Italy như Đánh bài Tam Cúc (sơn dầu,1930), Xem bói (sơn dầu,1931, đoạt bằng khen mỹ thuật Rome), Thiếu nữ dệt vải (lụa,1933), Xuống ngựa (lụa, 1934), Lý trưởng hỏi thăm đường (lụa, 1934)... Tranh của ông hài hòa giữa kỹ thuật vẽ phương Tây và bản sắc văn hóa dân tộc.

Gần đây (10/1922), hai tranh lụa sáng tác khoảng 1931 - 1932 của Thang Trần Phềnh là “Chơi bài” đã được bán với giá 600.000 euro và “Xem bói” là 550.00 euro.

Sự nghiệp hội họa của ông còn để lại khá nhiều tác phẩm; riêng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện vẫn còn trưng bày 2 tác phẩm và lưu giữ hơn 60 tác phẩm, bao gồm các bức vẽ tĩnh vật và ký họa bằng mực nho, màu nước, được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1955.

Họa sĩ Thang Trần Phềnh
Họa sĩ Thang Trần Phềnh

Bậc tiên khởi của mỹ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại

Thang Trần Phềnh, từ năm 1912, đã tự tập vẽ tranh theo phong cách phông trang trí sân khấu, bằng sơn dầu trên vải dày. Theo hồi ký của ông thì, sau khi tận mắt xem đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang diễn tân kịch ở Quảng Đông hội quán, phố Hàng Buồm, Thang Trần Phềnh mê mẩn một trong số các bức họa trang trí trên sân khấu đó và nghĩ cách vẽ theo.

Ông nhớ lại: “Từ đó trở đi, tìm thầy, tìm bạn hỏi mượn hết tranh này, tranh nọ, mua sơn, mua thuốc, mua vải dày (toile nationale) can hai khổ vải thành bức phông con, rộng 2m40 x 3m, để vẽ. Vẽ một con đường đi, một bên có nhà lá, một bên có rào cây thấp, gần có mấy dãy vườn cây thấp, có cây gần, có cây to xa xa, có viễn cảnh”. Bức phông ấy sau cho rạp Sán Nhiên Đài mượn treo khi rạp đóng ở phố Tạ Hiện.

Tự học vẽ sơn dầu từ năm 1912 nhưng bắt đầu từ 1914, Thang Trần Phềnh mới thực sự có điều kiện thể nghiệm nhiều bức vẽ phông cảnh. Cũng theo hồi ức của ông, chính nhờ mối quan hệ với ông Georges Bois mà năm 1913, Thang Trần Phềnh được vào làm trong Sở Máy đèn Bờ Hồ.

Tuy nhiên, vì công việc không thích hợp nên Thang Trần Phềnh chỉ làm một năm rồi nghỉ. Năm 1914, ông vào làm ký họa ở Sở Lục lộ. Đây cũng là cơ duyên đưa Thang Trần Phềnh đến với việc trình bày phông, cảnh cho rạp Sán Nhiên Đài. Cuối năm 1914, rạp Sán Nhiên Đài ra đời. Ông Trương Ngọc Minh, một thành viên Ban quản trị Sở Lục lộ, hội viên hội Sán Nhiên Đài, thấy ông Phềnh biết vẽ, bèn mời vào hội để vẽ phông cảnh.

Từ việc tự học vẽ phông cảnh, Thang Trần Phềnh đã không chỉ thuần thục về kỹ thuật mà còn sáng tạo ra lối vẽ có thể ngắm nhìn được từ cả bốn phía, mà ông gọi là “tứ cố”, như ông tả lại bức phông cảnh lấy nguyên mẫu từ chùa Cầu Đông, phố Hàng Đường: “... vẽ tại chỗ, vẽ đúng thực. Chùa vẽ trông ở giữa, nhìn sang hai bên hành lang có hai hàng Phật. Chính giữa có tam bảo, hai bên ngoài có hai hàng cột chùa”.

Bức vẽ chùa Cầu Đông được tán thưởng vì cách vẽ như thực, gây ảo giác về sự chuyển động của cả không gian nền cảnh theo diễn biến của nhân vật trên sân khấu. Những trải nghiệm và tiếng tăm từ tài vẽ phông cảnh sân khấu ở Hà Nội đã đem tới cho ông nhiều công việc thú vị khác.

Từ năm 1916 trở đi, trong khoảng từ 9 - 10 năm, ông vẽ cho nhiều nơi, như những phông cảnh cho Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Lớn Hải Phòng, nhà Nhạc hội Bờ Hồ, rồi Khách sạn Metropole, rạp chiếu bóng Cinéma Tonkinois, phố Hàng Quạt, rạp chiếu bóng Palace (nay là rạp Công Nhân), phố Tràng Tiền...

Sau ngày tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, Thang Trần Phềnh vẫn tiếp tục đi trên con đường riêng đã chọn từ trước là mỹ thuật sân khấu.

Năm 1932, Thang Trần Phềnh lập ra Đoàn ca kịch Đồng Ấu lấy tên là “Ban hát Mỹ thuật Đồng Ấu” (gọi tắt là ban hát Trần Phềnh). Sau một thời gian tập luyện, ban hát đã đi biểu diễn lưu động khắp nơi trong suốt hơn 10 năm (từ 1932 đến 1943) với 7 vở diễn nổi danh một thời như: Tam hoàng tử tranh hôn, Thất hiền quyến, Tống tửu Đơn Hùng Tín, Đức mẫu Thượng Ngàn, Đức mẫu Thoải, Kiều, Lã Bố hí Điêu Thuyền.

Với nghệ thuật trang trí sân khấu, ông có rất nhiều sáng tạo. Cùng với phương pháp nhìn “tứ cố” để người xem cảm thấy như được hòa vào, chuyển động cùng không gian ước lệ của vở diễn, ông đã sử dụng ánh sáng từ đèn chiếu để tạo ra những hiệu ứng tích cực và hiệu quả thẩm mĩ cao từ các bức vẽ trang trí.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Đoàn Thị Tình: “Ở vai trò người mở đầu cho bộ môn nghệ thuật này và hoạt động trong đó suốt gần 50 năm, Thang Trần Phềnh vừa phải sáng tạo ra ngôn ngữ mà cũng vừa phải sáng tạo ra tác phẩm, từ phông màn, trang phục, hóa trang đến đạo cụ, ánh sáng.

Các ghi chép, nghiên cứu phác thảo sân khấu của ông, đặc biệt cho các vở diễn cổ hoặc có đề tài cổ còn giữ được đến ngày nay là một nguồn tư liệu, một cái vốn quý báu để lại cho hậu thế. Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, nhất là nghệ thuật trang trí sân khấu mà còn có nhiều giá trị trên phương diện sử học, dân tộc học, xã hội học, phong tục học thấm đẫm tinh thần và thẩm mỹ Việt Nam…”.

 

Từ rất sớm,Thang Trần Phềnh trở thành họa sĩ nổi tiếng bằng con đường tự học. Và sau khi đã học rồi ông vẫn kiên trì sự đam mê với con đường riêng của mình là mỹ thuật sân khấu. Tài năng, sự đam mê tạo nên danh tiếng Thang Trần Phềnh. Ông là bậc tiên khởi của mỹ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại.