Đến Văn Hoàng thời điểm này, bà con xã viên ai cũng phấn khởi vì chuẩn bị được gieo cấy vụ xuân 2013 trên thửa ruộng lớn vừa DĐĐT. Ông Nguyễn Văn Huyền, một người dân thôn Nội, xã Văn Hoàng chia sẻ: "Hiện nay mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng nên chúng tôi có thể thuê máy cày, máy gặt, không phải lao động vất vả như trước nữa".
Toàn xã Văn Hoàng có 417,2ha đất nông nghiệp với 1.558 hộ dân. Với đặc thù là xã thuần nông, UBND xã Văn Hoàng đã xác định DĐĐT là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do đồng ruộng manh mún, không bằng phẳng nên việc triển khai công tác này gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, một số hộ dân đang canh tác ở vị trí thuận lợi hoặc đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên không muốn thực hiện. Đặc biệt, đa phần đất 5% của các hộ dân nằm tiếp giáp đường giao thông, do đó một bộ phận dân cư có tâm lý chờ đất 5% trở thành đất ở nên không muốn chia lại ruộng.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã Văn Hoàng đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền về lợi ích của DĐĐT để người dân hiểu và thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Chi, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo DĐĐT xã Văn Hoàng cho biết, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, xóm, xã còn tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân. "Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn vào cuộc quyết liệt.
Mọi vấn đề liên quan đến DĐĐT đã được lãnh đạo xã, thôn trao đổi, giải đáp nên người dân rất đồng thuận" - ông Chi chia sẻ. Và, sau chưa đầy một tháng triển khai, đến đầu tháng 11/2012, xã Văn Hoàng đã có trên 50% số hộ dân tự nguyện ghép chung ruộng với anh em, họ hàng, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa. Trên cơ sở đó, trong vòng 1 tuần lễ, từ ngày 17 - 25/11/2012, xã đã tổ chức bốc thăm và giao ruộng cho người dân ở cả 6/6 thôn trong xã. Hiện nay, xã Văn Hoàng đang tích cực tiến hành đào đắp, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất vụ xuân 2013.
Tuy nhiên, xã đang gặp khó khăn về kinh phí, bởi theo tính toán, tổng kinh phí đào đắp thủy lợi và kiên cố hóa đường giao thông nội đồng trên địa bàn lên tới gần 87 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn này, theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, xã Văn Hoàng không nhất thiết phải bê tông hóa toàn bộ các tuyến giao thông nội đồng ngay trong năm 2012 mà cần phân kỳ đầu tư. Trước mắt, xã cần ưu tiên xây dựng các trục giao thông chính. Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch lại đồng ruộng, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các cánh đồng lúa hàng hóa chất lượng cao nhằm phát huy tốt hiệu quả từ DĐĐT để tăng thu nhập cho nông dân.