Thành công nhờ nội lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một xã nghèo của huyện Chương Mỹ nhưng sau 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân, đến nay, diện mạo của xã Hồng Phong đã thay đổi đáng kể.

Có được thành công đó là do xã đã phát huy được thế mạnh trong phát triển nông nghiệp và sự đồng thuận của người dân.

Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết, trước khi thực hiện Chương trình 02, Hồng Phong là một xã nghèo của huyện Chương Mỹ, kinh tế tăng trưởng chậm, cơ cấu sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trình độ dân trí còn thấp.

 
Tham quan mô hình sản xuất lúa hàng hóa sau dồn điền đổi thửa ở xã Hồng Phong,                         huyện Chương Mỹ.
Tham quan mô hình sản xuất lúa hàng hóa sau dồn điền đổi thửa ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.
Năm 2011, thực hiện Chương trình 02, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã Hồng Phong đã xây dựng kế hoạch và triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể Nhân dân trong xã. Xác định được tầm quan trọng của dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tập trung quyết liệt vào công việc này. Kết quả là đến hết quý II/2012, toàn xã đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa và giao ruộng cho các hộ dân với diện tích hơn 202ha. Sau dồn điền đổi thửa, các hộ chỉ có từ 1 - 2 thửa ruộng, rất thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Song song với phát triển nông nghiệp, xã tập trung vào xây dựng NTM. Đến nay, xã đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, khu trồng rau, khu trang trại chăn nuôi tập trung và cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Giao thông nội đồng được cứng hóa; hệ thống giáo dục đạt chuẩn; y tế, văn hóa, môi trường cũng đạt tiêu chí. Tổng cộng, xã Hồng Phong đã có 17/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. 

Đặc biệt, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, Chủ tịch UBND xã Đào Minh Tuấn chia sẻ: "Đảng ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện chính sách giảm nghèo bằng nhiều hình thức như: phát triển sản xuất, chăn nuôi; nhân rộng các nghề tiểu thủ công nghiệp cho lực lượng lao động khi nhàn rỗi; chuyển đổi các mô hình sản xuất trang trại vừa và nhỏ; huy động các nguồn vốn của Nhà nước và của Nhân dân để hỗ trợ các hộ gia đình phát triển các mô hình kinh tế". Kết quả là đến hết quý IV/2013, xã Hồng Phong đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo xuống còn 2,54%, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 22,5 triệu đồng/người/năm. 

Hàng năm, xã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, nấu ăn, may mặc, mây tre giang đan, móc sợi, xâu hạt; đào tạo nghề cho lao động chưa có việc làm mỗi năm khoảng 110 lao động. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài huyện có nhu cầu tuyển dụng lao động, qua đó giải quyết được nhiều việc làm cho lực lượng lao động của địa phương. 

Ông Trần Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, với những kết quả đạt được, xã Hồng Phong đang là xã đứng đầu trong tốp 6 xã của huyện Chương Mỹ dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay. Còn 2 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa và trường học, từ nay đến cuối năm, UBND huyện sẽ tập trung nguồn lực, cùng với xã phấn đấu hoàn thành. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xã phát huy những thế mạnh của địa phương về trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện cấy nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao để nâng cao đời sống cho người dân.