Thành công nhờ phát huy nguồn lực xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc huy động sự tham gia của người dân để có nguồn lực dồi dào phục vụ các mục tiêu phát triển hạ tầng luôn được xem là giải pháp trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đông Anh.

Những công trình “của dân”

Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên thôn khang trang, sạch đẹp, trưởng thôn Tiên Hùng (xã Nguyên Khê) Nguyễn Văn Luân cho biết, người dân trong thôn đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hiến gần 1.000m2² đất để xây dựng đường làng, ngõ - xóm, giao thông thủy lợi nội đồng. Qua tuyên truyền, địa phương đã vận động DN ủng hộ gần 350 triệu đồng xây dựng đường dẫn vào khu nghĩa trang. Bên cạnh đó, Chi bộ thôn cũng kêu gọi người dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng cải tạo đền Ba Voi và 2 cổng làng. Hiện tại, 5 tuyến đường giao thông nông thôn cũng đang được thi công với tổng kinh phí gần 1,6 tỷ đồng, trong đó, vốn người dân đóng góp chiếm trên 50%… Bà Dương Thị Sáu - Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Khê phấn khởi cho biết thêm, sau 4 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, toàn xã đã huy động được trên 30 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là nguồn lực vô cùng lớn, góp phần tích cực để địa phương hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Cùng với Nguyên Khê, xã Bắc Hồng cũng là địa phương thực hiện hiệu quả việc huy động nguồn lực trong Nhân dân. Chủ tịch UBND xã Bắc Hồng Nguyễn Ngọc Khương cho biết, xây dựng NTM giờ đã trở thành phong trào rộng khắp, được người dân ủng hộ bằng nhiều hoạt động và việc làm thiết thực. Người dân đã chủ động hiến đất, tài sản, đóng góp ngày công xây dựng đường giao thông, các công trình phúc lợi xã hội… Nhân dân trong xã cũng đã đóng góp trên 14 tỷ đồng cho công tác xây dựng NTM.

Hoàn thành dồn điền đổi thửa trong năm 2015

Theo ông Ngô Văn Lệ - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh, qua 4 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện đã vận động ủng hộ được hàng trăm tỷ đồng từ các tổ chức, DN thông qua việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội. Tất cả 23 xã đã vận động đóng góp được gần 60 tỷ đồng, hiến tặng 57.969m2²² đất (trong đó có 1.519m2²² đất thổ cư) và tham gia 8.647 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất.

Cùng với việc tích cực huy động nguồn lực xã hội, lãnh đạo huyện Đông Anh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt. Từ năm 2010 - 2014, kinh phí thu được từ hoạt động này ước đạt gần 1.700 tỷ đồng. Đây là nguồn lực không nhỏ, góp phần quan trọng giúp địa phương tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho xây dựng NTM.

Sự tham gia của người dân đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, không phải vậy mà những khó khăn đã hết, điển hình như công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT).

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang trăn trở, trên địa bàn huyện hiện có 2/3 diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị (không thuộc diện thực hiện DĐĐT), nhưng vẫn sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm tới. Do vậy, đề nghị UBND TP xem xét cho áp dụng cơ chế hỗ trợ cứng hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng theo Quyết định 16 như các xã thực hiện DĐĐT, hoặc cho các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây sẽ là tiền đề để Đông Anh hoàn thành mục tiêu DĐĐT trong năm 2015, phấn đấu đến hết năm có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng NTM, nâng tổng số xã đạt NTM toàn huyện lên 16 xã.

 
Hết năm 2014, Đông Anh có 2 xã: Xuân Nộn và Nam Hồng đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 12 xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,24%...