Thành lập Sở An toàn thực phẩm thuộc UBND TP Hồ Chí Minh

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết tại kỳ họp thứ 10 của HĐND TP khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026).

Ngày 10/7, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, HĐND TP đã cho thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP).

Sở ATTP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở ATTP trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính (VPHC) về ATTP; việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cho Sở ATTP.

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), HĐND TP đã thành lập Sở ATTP. Ảnh: Tân Tiến.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), HĐND TP đã thành lập Sở ATTP. Ảnh: Tân Tiến.

Việc HĐND TP Hồ Chí Minh thành lập Sở ATTP là thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong Nghị quyết số 98/2023 có lĩnh vực tổ chức bộ máy chính quyền của TP.

Tại kỳ họp thứ 10, nhiều cử tri cũng nêu ý kiến về việc kiểm tra ATTP tại các chợ đầu mối, siêu thị, dịch vụ ăn uống, bếp ăn trong các cơ sở giáo dục… như thế nào? Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTP ra sao? Chế tài nào đủ mạnh để xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm vẹ sinh ATTP?  

Theo đại diện Sở ATTP TP Hồ Chí Minh, hằng năm sở này (trước đó là Ban Quản lý An toàn thực phẩm) đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATTP, trong đó chú trọng kiểm tra theo chuyên đề, sự vụ nổi trội, đặc biệt các chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh ăn uống, các siêu thị, các cơ sở giáo dục. Từ quý 4/2017 đến quý 1/2023, các đoàn kiểm tra đã kiểm tra 39.023 cơ sở, phát hiện vi phạm tại 2.357 cơ sở (tỷ lệ 6%), xử phạt VPHC 2.334 cơ sở với số tiền 33.167.733.011 đồng (trong đó phạt cảnh cáo 6 cơ sở), chuyển UBND quận 7 và quận Phú Nhuận xử phạt 2 cơ sở với số tiền 50 triệu đồng; đang tiến hành các bước để xử lý theo quy định 1 cơ sở;  chuyển cơ quan khác tiếp tục xử lý 3 cơ sở, không xử lý phạt 17 cơ sở không còn hoạt động.

Riêng 3 tháng đầu năm 2023, đã kiểm tra 3.448 cơ sở, có 1 siêu thị có vi phạm do kết quả kiểm nghiệm sản phẩm phát hiện có kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản. Hiện đang tiến hành các bước để xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm trên. Trong đó, đối với chợ đầu mối nông sản, thực phẩm: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền, có bố trí các Đội Quản lý ATTP số 2, 9, 10 đã kiểm tra 324 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ, chưa phát hiện vi phạm.

Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, cũng được các đoàn tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP. Qua kiểm tra 40 siêu thị, có 1 siêu thị có vi phạm như đã nêu ở trên. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã tiến hành kiểm tra 452 siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn, không phát hiện vi phạm.

Một trong nhiều nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm tại TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Một trong nhiều nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm tại TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đã kiểm tra 1.008 cơ sở (nhà hàng, quán ăn, cơ sở cung cấp ăn suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, căn tin...), chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Về việc đảm bảo ATTP trong các cơ sở giáo dục, trong năm học 2022-2023, đã kiểm tra 2.231 bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong 1.931 trường học, xử phạt VPHC 2 cơ sở với số tiền 14,5 triệu đồng.

Về công tác truyền thông và giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại trường học, Sở ATTP phối hợp Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ký kế hoạch liên tịch trong công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Qua đó, đề nghị các trường phải đảm bảo ATTP khi phục vụ ăn uống cho học sinh, chỉ nhận suất ăn từ các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tuân thủ đúng các quy định về ATTP (có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc giấy chứng nhận khác theo quy định, đầy đủ hóa đơn chứng từ nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu...). Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát ATTP các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trên địa bàn TP.

Đã tổ chức 36 lớp tập huấn nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức về ATTP cho hơn 7.400 cán bộ quản lý giáo dục, 17 lớp tập huấn cho hơn 2.350 nhân viên bếp ăn, căn tin…, với các nội dung: kiến thức ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, cách xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn lưu mẫu thực phẩm và hệ thống tự kiểm tra ATTP trong trường học. Dự kiến trong năm 2023, Sở ATTP sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức từ 12-20 lớp tập huấn cập nhật các kiến thức về ATTP, cũng như tiếp tục cấp phát các ấn phẩm truyền thông cho trường học nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông đảm bảo ATTP, thay đổi nhận thức cho học sinh và phụ huynh về ATTP ngày nay.

Đối với công tác đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho người dân TP tại các chợ đầu mối, siêu thị; cung cấp cho các đơn vị phân phối cho trường học, suất ăn sẵn..., Sở ATTP  đã triển khai công tác liên kết các tỉnh, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn và dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP”. Cụ thể, đã liên kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 tỉnh, thành đã ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu nông sản, thực phẩm đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025. Việc phối hợp xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản.

Ngoài việc kiểm tra giám sát, Sở ATTP còn phối hợp với các chi cục chuyên ngành của các tỉnh, thành thẩm định và cấp giấy chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn”. Đến nay đã cấp giấy chứng nhận cho 319 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh đạt chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn” với sản lượng rau, trái cây là 293.767,3 tấn;  thịt các loại là 650.652,1 tấn;  thủy sản các loại 23.499,55 tấn; trứng gia cầm hơn 2.201.222.852 quả và 50,1 triệu lít nước mắm.

 

Đối với dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP”, hiện nay tại TP đã thực hiện mô hình này theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho tiểu thương 25 chợ truyền thống về quy định ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm kinh doanh (lưu giữ hóa đơn, ghi chép xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo theo TCVN 11856:2017). Đến nay đã có 2 chợ là Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) và Bình Thới (quận 11) cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chí đánh giá theo TCVN 11856:2017, hoàn thiện hồ sơ công bố chợ hợp chuẩn và gửi về Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP theo quy định.