Trả lời phóng viên tại họp báo thường kỳ ngày 5/4/2019, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh 2018, thay thế Luật Cạnh tranh 2014, có hiệu lực từ 1/7/2019, tức là 3 tháng nữa có hiệu lực.
Quốc hội thấy rằng cần có một mô hình cơ quan có đủ năng lực, trình độ, đủ khả năng để thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Cũng tại Quốc hội, các đại biểu đã bấm nút thông qua điều 46, quy định rõ về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này đã được định danh rõ và khi Luật cạnh tranh có hiệu lực, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG) có thể được ra đời để thực thi Luật Cạnh tranh 2018.
Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ chức năng nhiệm vụ cơ quan UBCTQG (tại điều 46 đã quy định 2) chức năng cơ bản là giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Thứ hai, thực hiện chức năng tài phán, quy trình thủ tục tố tụng cạnh tranh để xử lý, điều tra các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh…
Luật Cạnh tranh 2018 đã giao Chính phủ có quy định hướng dẫn chi tiết về bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh 2018: Nghị định hướng dẫn nội dung (Bộ Công Thương đã hoàn thành và trình Chính phủ); Những quy định xử lý vi phạm về Luật Cạnh tranh (Bộ Công Thương đã hoàn thiện); Xây dựng mô hình UBCTQG.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, UBCTQG được thành lập trên cơ sở kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ và tổ chức trên cơ sỏ hiện trạng. Cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay có 2 cơ quan là Hội đồng Cạnh tranh quốc gia và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang thành lập đề án thành lập UBCTQG, trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị này. Đó chính là đáp ứng yêu cầu thu gọn bộ máy để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói và khẳng định, tăng biên chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chỉ là luân chuyển cán bộ trong nội bộ của Bộ Công Thương, về cơ bản, vẫn đảm bảo con số tổng, do đó, không "phình to" biên chế.
Dự kiến bộ máy giúp việc cho Ủy ban gồm 8 đơn vị: Cục Điều tra và Giám sát cạnh tranh dự kiến 25-30 biên chế; Cục Bảo vệ người tiêu dùng dự kiến 25-30 biên chế; Vụ Thư ký xử lý vụ việc cạnh tranh, 10-15 biên chế; Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm 10-15 biên chế; Vụ Hợp tác quốc tế 10-15 biên chế; Vụ Thanh tra pháp chế 10-15 biên chế; Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và bảo vệ người tiêu dùng 10-15 biên chế; Văn phòng Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh 8-10 biên chế. Ngoài ra còn có một đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin tư vấn và đào tạo 20-25 biên chế. Như vậy, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị sau khi thành lập Ủy ban là khoảng 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức.