Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện đang nỗ lực tạo đột phá trong công tác quy hoạch nhằm hướng tới mục tiêu huyện NTM nâng cao.
Thanh Oai là một trong những huyện của TP Hà Nội đủ điều kiện trình T.Ư đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Ông có thể cho biết khái quát thành tựu đạt được thời gian qua?- 5 năm trở lại đây, kinh tế huyện Thanh Oai đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,65%. Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người.
Đến nay, huyện đã trở thành huyện nông nghiệp trọng điểm của Hà Nội với những vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa trên 6.000ha; vùng cây ăn quả 428,08ha; vùng chăn nuôi xa khu dân cư 71,14ha… Đáng chú ý, diện mạo huyện Thanh Oai đã đổi thay rõ rệt theo hướng ngày càng khang trang, văn minh hiện đại nhà có số, ngõ, phố có hoa. Năm 2020, toàn huyện có 60/74 trường đạt chuẩn quốc gia. Trên 90% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 86% làng, tổ dân phố văn hóa; 100% nhà văn hoá được cải tạo xây mới và kiên cố.Hiện tại, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt xã NTM nâng cao. TP đã thẩm tra, đánh giá chấm điểm đạt 97,4/100 điểm và nhất trí huyện Thanh Oai đủ điều kiện trình T.Ư đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020.Vậy, đâu là bài học kinh nghiệm của Thanh Oai để có được “trái ngọt” trong xây dựng NTM, thưa ông?- Đó chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là sự đồng thuận của cán bộ, Nhân dân từ những việc nhỏ nhất. Thực tế, người dân luôn ý thức được trách nhiệm và chung sức tham gia xây dựng NTM, bởi hơn ai khác, chính họ là người được thụ hưởng.Việc huy động nguồn lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng NTM, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?- Tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được gần 4.000 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, người dân đóng góp 221,476 tỷ đồng, chưa kể đóng góp về ngày công, hiến đất làm đường, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Mới đây, huyện đấu giá quyền sử dụng đất được gần 200 tỷ đồng, nguồn thu này được bố trí tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ nay đến cuối năm 2020, huyện tiếp tục thực hiện một số phiên đấu giá đất nữa, hy vọng sẽ đạt kết quả tốt để tăng thêm nguồn lực cho xây dựng NTM.Trong 9 tiêu chí để huyện đạt chuẩn NTM, tiêu chí nào mà Thanh Oai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ?- Đó là tiêu chí môi trường. Hiện Thanh Oai có 51 làng nghề. Để giải quyết vấn đề môi trường làng nghề, Thanh Oai trình TP phê duyệt quy hoạch các điểm, cụm công nghiệp, từng bước di dời các hộ dân, DN sản xuất trong khu dân cư chuyển sang điểm, cụm công nghiệp để sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý tốt nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.Huyện đã đề ra giải pháp nào để sớm đạt huyện NTM nâng cao, thưa ông?- Thanh Oai xác định công tác quy hoạch là khâu đột phá trong thực hiện mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, công tác quy hoạch sử dụng đất tiếp tục được hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung, từ đó có những phân kỳ đầu tư cụ thể để phát triển. Đặc biệt, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Thanh Oai đã được UBND TP trao chứng nhận đầu tư 4 cụm công nghiệp với quy mô trên 100ha.
Hy vọng khi các cụm công nghiệp này chính thức đi vào hoạt động sẽ giải quyết tốt việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển thương mại – dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, huyện Thanh Oai có trên 60% hộ dân được tiếp cận với nguồn nước sạch sông Đà, đã cấp nước sạch cho các xã Bích Hòa, Cao Viên; chuẩn bị lắp đồng hồ để cấp nước cho các xã Thanh Cao, Bình Minh, Thanh Mai. Ngoài ra, huyện còn có 3 trạm cấp nước ngầm trên địa bàn 2 xã Thanh Thùy, Xuân Dương và thị trấn Kim Bài đang vận hành hiệu quả. Từ nay đến hết năm 2020, huyện cố gắng đạt tiến độ trên 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch. |