Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố dọc - giải pháp đầy tranh cãi

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bộ phim Metropolis năm 1927, đạo diễn người Đức Fritz Lang đã tưởng tượng ra một xã hội sống trong một siêu đô thị thẳng đứng. Gần 100 năm sau, thế giới giờ đây đã xuất hiện ngày càng nhiều các tòa nhà chọc trời, mà cuộc đua phá vỡ kỷ lục về chiều cao không phải là động lực duy nhất của xu hướng phát triển TP còn gây nhiều tranh cãi này.

Dubai hiện sở hữu nhiều tòa nhà cao kỷ lục hơn bất cứ TP nào khác với 50 tòa nhà chọc trời, bao gồm cả Tháp Dubai Creek cao 1.300m - tòa nhà cao nhất từng được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. 
Sứ mệnh đặc biệt
Sau cơn bão đô thị hóa, hơn một nửa tổng dân số thế giới 7,7 tỷ người hiện đang sống ở các TP. Và đến năm 2050, con số đó được dự báo sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người, với 90% mức tăng này chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi. Điều này mang lại lợi ích về mặt năng suất kinh tế, khi các khu vực đô thị - chiếm tới 80% GDP toàn cầu - đóng vai trò là động lực tạo ra sản lượng cao hơn, sự sáng tạo và hiệu quả do việc tập trung của nhân lực và ý tưởng.
Tuy nhiên, mở rộng các TP theo chiều ngang để đủ chỗ cho lực lượng mới sẽ đồng nghĩa với việc phải phá hủy nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn. Vì vậy, ngày càng nhiều ý kiến đề xuất phát triển các TP theo chiều dọc như một giải pháp cho mâu thuẫn nan giải này.
Khái niệm “thành phố dọc”, hay “thành phố thẳng đứng”, đề cập đến ý tưởng về các tòa nhà chọc trời và mở rộng theo chiều ngang trên không. Theo một tổ chức phi lợi nhuận đã thúc đẩy khái niệm này từ năm 2012, đó sẽ là sự sắp xếp của các tòa tháp lớn được kết nối với nhau để hỗ trợ hàng trăm ngàn người trên một diện tích đất nhỏ hơn đáng kể. Những tòa nhà này có thể cao tới 400 tầng, bao gồm nhà ở, cửa hàng, bệnh viện, trường học, trang trại và không gian ngoài trời.
Điều này được cho sẽ còn tạo nên những tác động ghê gớm hơn một khi kết hợp với “kiến trúc xanh”. Chẳng hạn, kế hoạch xây dựng 6 tòa nhà chọc trời bằng gỗ ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, của kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut, dự kiến thực hiện vào năm 2020, nhằm tạo nên cuộc cách mạng sinh thái học nông nghiệp trong đô thị.
Các khu sinh thái thẳng đứng này sẽ bao gồm nhà ở, văn phòng, phòng tập thể dục, hồ bơi… hữu cơ, với những tấm pin mặt trời và đèn chạy bằng sức gió được lắp đặt trên mặt tiền của tòa nhà để cung cấp ánh sáng và nước nóng. Phân từ chăn nuôi tại đây, được môt hệ thống gọi là “aquaponics” chuyển hóa, để bón cho đất cây trồng.
Thiết kế kiến trúc sinh thái của Vincent Callebaut. 
Tóm lại, sứ mệnh của các TP dọc trên lý thuyết là sản xuất và lưu trữ năng lượng, đồng thời chào đón dân số ngày càng tăng trong khi vẫn bảo tồn không gian nông nghiệp và tự nhiên cho các hoạt động sản xuất thực phẩm và giải trí. Chiều cao của các cấu trúc này được coi là một lợi thế, bởi nó sẽ đơn giản hóa việc sản xuất năng lượng gió và giúp tạo ra sự tiết kiệm bằng cách sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ và thông gió tự nhiên. Tuy nhiên, việc vươn lên cao dần của các tòa nhà không phải là không có thách thức - chủ yếu đến từ sự thích ứng của con người.
Con người đã sẵn sàng?
Ngay từ những năm 1970, các kỹ sư người Mỹ đã hoàn toàn tự tin vào khả năng xây dựng một tòa nhà 150 tầng, nhưng lại e ngại liệu TP có thể xử lý những vấn đề xã hội đi kèm hay không. Trong suốt thập kỷ sau đó, J.G Ballard đã ấp ủ cho ra phần 3 của loạt phim tài liệu về thảm họa đô thị của mình, trong đó mô tả sự leo thang bạo lực diễn ra giữa một cuộc “nổi dậy” của các tòa nhà.
Cuốn sách “Tương lai của nhà chọc trời” cũng đã đề cập đến vấn đề này, khi tác giả Tom Vanderbilt nêu nhiều dẫn chứng cho thấy một cuộc sống trên cao có thể cản trở sự phát triển của trẻ em và làm tăng nguy cơ hoạt động tội phạm - điều vốn đã được thống kê là tỷ lệ thuận với độ tích tụ đô thị trên thực tế.
Sống ở môi trường độ cao như thế còn được cho sẽ hạn chế nhận thức của con người về không gian và chiều sâu, khi nhiếp ảnh gia Michael Wolf từng gây chú ý với dự án mô tả các “cuộc sống dọc” tại các toà nhà, với con người như bị cô lập và trở nên vô hồn hơn.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Huddersfield của Anh gần đây cũng đã đặt câu hỏi về tỷ lệ nguy hiểm vật lý của cuộc sống cao tầng như: Cư dân có thể bị mắc kẹt bởi hỏa hoạn và động đất, ngã hoặc thậm chí nhảy từ nhà cao tầng; Số người sống chung trong tòa nhà có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm…
"Dọc" toàn diện
Sẽ chẳng có gì quá đột phá ở dự án “thành phố dọc” Raffles City của Trùng Khánh, Trung Quốc, nếu ngoài 134.000m2 nhà ở, cửa hàng, văn phòng, khu giải trí, liên kết giao thông và công viên công cộng… nó không sở hữu một tòa nhà nằm ngang, trải dài trên 4 tòa tháp chính ở tầng 42 là Skybridge.
Xuất hiện như một lời giải mẫu mực cho sự đơn độc và thiếu hiệu quả của hầu hết các tòa nhà chọc trời hiện nay trên khắp thế giới, ''cây cầu trời'' dài 300m là phần được mong đợi nhất trong dự án Raffles City để chính thức hoạt động vào cuối năm nay. 
Theo kiến trúc sư trưởng của Raffles City, Moshe Safdie, các TP nhà chọc trời sẽ dần lan rộng theo chiều ngang. Và thay vì chỉ nghĩ về việc phân chiều đất đai theo 2 hướng ngang - dọc, việc phân vùng bắt đầu đòi hỏi con người phải kết nối giữa tài sản này với tài sản khác, mà đầu tiên là ở mặt đất, sau đó là trên không.
Nếu các kết nối cao ngất trời giữa các tòa nhà là tương lai thì công nghệ cũng sẽ đẩy nhanh xu hướng này. Năm 2017, công ty kỹ thuật ThyssenKrupp của Đức đã tiết lộ một hệ thống thang máy mới, cho phép nhiều thang máy trong một trục, loại bỏ các giới hạn về chiều cao và cho phép các thang máy ngang có thể di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
Các tòa nhà vì thế có thể cao hơn và “vươn tay” tới bất kỳ đâu, tạo ra một mạng lưới kết nối trải dài khắp TP nhằm xóa mờ những lo ngại về tính khả thi trên thực tế của một đô thị dọc theo định nghĩa. Tuy nhiên, cũng chính từ đây, nguy cơ mới đối với xã hội đã bị chỉ ra đối với loại cấu trúc trên cao này.
Lo ngại lớn nhất là việc các tòa nhà chọc trời được liên kết có thể đẩy nhanh sự phân biệt, tạo ra một TP hai tầng về mặt xã hội cũng như thể chất: Một không gian cao vời vợi dành cho giới thượng lưu và số còn lại mắc kẹt ở mặt đất.
Chính ông Safdie cũng phải thừa nhận, Raffles City có một vài tầng nhất định ở phía dưới dành cho dân cư, và các tầng trên cao để sử dụng cho những mục đích xa xỉ hơn. Điều này được giải thích là không thể làm khác, bởi đó là một phần của văn hóa và thị trường, nhằm tạo nên tính đẳng cấp hàng đầu.
Hay thậm chí một “biến thể” khó tin của mô hình TP dọc đã xuất hiện hoàn chỉnh tại Indonesia, với nhiều đặc tính gần gũi đời sống đại chúng hơn, nhưng cũng chưa thể trở thành lựa chọn phát triển hoàn hảo. Đó là Cosmo Park - “ngôi làng trên trời” - tọa lạc nơi đỉnh của một trung tâm mua sắm 10 tầng ở Jakarta, tạo nên một thế giới cách biệt với khu đô thị lớn phía dưới.
'Ngôi làng trên trời' tại Jakarta. 
Các căn hộ nhỏ, đường sá, sân tennis, vườn rau… cùng tồn tại bên trong một lớp hàng rào kim loại cao chạy quanh chu vi tầng thượng tòa nhà để đảm bảo không ai bị ngã hoặc lao xe xuống dưới. Cư dân nơi đây vẫn cần phải xuống mặt đất cho việc học tập, lao động và tham gia các sự kiện xã hội khác, thông qua một con dốc. Vấn đề dễ nhận thấy của cấu trúc tạm bợ này chính là tính bền vững, khi nó đơn thuần chỉ là việc tận dụng không gian đô thị có thể để “chạy trốn” tình trạng đông đúc và dễ ngập lụt của Jarkarta.
Rõ ràng, nền tảng của một TP dọc đúng nghĩa phải là sự quy hoạch bài bản và đồng bộ, liên quan đến một hệ thống kinh tế - xã hội cũng phát triển theo chiều dọc.
Và giữa những tồn tại nói trên, người ta nhận thấy một sự gia tăng không ngừng số lượng các nhà cao tầng trên mặt bằng mọi TP hiện nay - phải chăng là dấu hiệu “đầu hàng” của giải pháp thành phố dọc đối với chính sứ mệnh ban đầu của nó?