Thành phố Verrières-le-Buisson kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris

Theo VietnamPlus
Chia sẻ Zalo

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và thành phố Verrières-le-Buisson, nơi phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Nam Việt Nam từng lưu trú, phối hợp tổ chức hoạt động kỷ nệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp định hòa bình Paris.(Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp định hòa bình Paris.(Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định hòa bình Paris (27/1/1973 - 27/1/2023) , ngày 14/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với thành phố Verrières-le-Buisson, ngoại ô Paris, để tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại này.

Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày ký kết Hiệp đinh lịch sử mở đường cho tiến trình chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), và ông François Guy Trébulle, thị trưởng thành phố Verrières-le-Buisson, cùng đông đảo đại diện bà con kiều bào và bạn bè Pháp.

Thị trưởng Verrrières-le-Buisson phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Thị trưởng Verrrières-le-Buisson phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Phát biểu tại buổi lễ, thị trưởng François Guy Trébulle bày tỏ niềm vinh hạnh được cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức buổi lễ kỷ niệm này. Ông cho rằng Việt Nam và Verrières-le-Buisson, tuy cách xa nhau gần 10.000 cây số về mặt địa lý, nhưng lại rất gần bên nhau về mặt tình cảm, được thể hiện bằng việc phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã từng lựa chọn nơi đây để lưu trú trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Nhắc lại quá trình lịch sử đó, ông tự hào khẳng định : "Việc đón tiếp phái đoàn Việt Nam đã khiến thành phố của chúng tôi trở thành một bến bờ bình yên, như sự so sánh của Jean-Marie Jacquemin trong cuốn sách của ông về Việt Nam."

Ông François Guy Trébulle nhấn mạnh : "Hiệp định hòa bình Paris đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng là sự kiện quan trọng với thành phố Verrières-le-Buisson không chỉ hôm nay, mà cả mai sau... Qua đó thành phố chúng tôi sẽ dạy con cái mình rằng hòa bình là điều tốt đẹp đáng để hy sinh tất cả để giữ được nó, giống như danh dự và công lý."

Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao quà lưu niệm cho đại diện ban tổ chức triển lãm tư liệu báo chí về lịch sử Hiệp định Paris của Hội lịch sử Verrière-le Buisson.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao quà lưu niệm cho đại diện ban tổ chức triển lãm tư liệu báo chí về lịch sử Hiệp định Paris của Hội lịch sử Verrière-le Buisson.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Về phần mình, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ sự cảm động khi được trở lại nơi này, gặp gỡ những người bạn Pháp và Việt Nam thân thiết từ bao nhiêu năm nay, đồng thời cảm nhận được không khí trang trọng và nồng ấm mà thành phố Verrières-le-Buisson đã dành cho Việt Nam.

Đại sứ đánh giá cao vai trò của thành phố, nơi luôn chia sẻ với Việt Nam những giá trị chung về hòa bình và đoàn kết trong những thời khắc lịch sử, và cả sự đón tiếp nồng nhiệt nhất trong không gian của tòa thị chính. Theo Đại sứ, điều này chứng tỏ sau nửa thế kỷ, những ký ức về hòa bình vẫn luôn giữ nguyên sức sống và sự sinh động của nó.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Michel Strachinescu, lái xe cũ của bà Nguyễn Thị Bình trong thời gian đàm phán Hiệp định, bày tỏ sự xúc động được mời đến dự lễ kỷ niệm này và hy vọng sẽ còn được tham dự nhiều lần nữa. Ông cũng cho biết đã có cơ hội thăm Việt Nam cách đây 10 năm và nhận được sự đón tiếp rất nồng hậu. Với ông Việt Nam là một dân tộc vĩ đại, luôn tỏa sáng trên thế giới vì đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh vì hòa bình của dân tộc mình.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao quà lưu niệm cho đại diện thành phố Verrière-le Buisson. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Đại sứ Đinh Toàn Thắng trao quà lưu niệm cho đại diện thành phố Verrière-le Buisson. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Nhân dịp này, Hội Lịch sử Verrières-le-Buisson đã tổ chức triển lãm "Tư liệu báo chí Pháp và quốc tế về Hiệp định hòa bình Paris", cũng như những ký ức về sự kiện này gắn với thành phố. Đây chính là một phần tư liệu trong nội dung cuốn sách "1968-1973 - Verrières-le-Buisson, bến đỗ bình yên" do các tác giả Christian Gautier và Jean-Marie Jacquemin mới cho ra mắt nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định hòa bình Paris.

Thăm lại ngôi nhà xưa

Sau lễ kỷ niệm tại tòa thị chính thành phố, các đại biểu đã đến thăm lại ngôi nhà số 49 trước kia, nay là số 17, phố Cambacérès, nơi Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó và sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, đã từng ở trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Ngôi nhà do các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu cho đoàn Việt Nam.

Ngôi nhà số 49 trước kia và nay là số 17 phố Cambacérès, nơi Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từng ở từ 1968-1973.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Ngôi nhà số 49 trước kia và nay là số 17 phố Cambacérès, nơi Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từng ở từ 1968-1973.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Tọa lạc trên mô đất cao nhìn ra hồ Cambacérès thơ mộng, ngôi nhà nhỏ xinh xắn được bao quanh bởi vườn hoa, cây cảnh và cây ăn quả được chăm tỉa kỹ càng tạo nên một cảm giác thư thái, yên bình. Một tấm biển ghi nhận giá trị di tích lịch sử đã được đặt phía trước ngôi nhà cách đây 10 năm, nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định hòa bình Paris.

Tấm biển ghi rõ : "Nơi đây, từ năm 1968 đến 1973, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam đã lưu trú để tham gia các cuộc đàm phán và ký Hiệp định Pari về Hòa bình ngày 27 tháng 1 năm 1973." Kiến trúc bên trong ngôi nhà tuy đã thay đổi nhiều, đẹp và hiện đại hơn, để phù hợp với công năng sử dụng của chủ nhà, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn lịch sử.

Chủ nhà giới thiệu với các đại biểu về lịch sử ngôi nhà số 17 phố Cambacécès.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Chủ nhà giới thiệu với các đại biểu về lịch sử ngôi nhà số 17 phố Cambacécès.(Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Ông bà Henrie, chủ nhà đã bày tỏ vinh dự được đón tiếp phái đoàn Đại sứ quán Việt Nam đến thăm ngôi nhà, nơi bà Bình đã sống những năm đàm phán để đạt được Hiệp định vào năm 1973. Bà Danièle Henrie chia sẻ : "Tôi rất vinh dự được đón tiếp các bạn Việt Nam ở đây để kỷ niệm một hiệp định hòa bình mà tôi cho rằng các bạn không dễ gì đạt được. Người dân Việt Nam đã phải chịu nhiều đau thương và chúng tôi luôn chia sẻ với các bạn.

Nhiều khi nhìn ra cửa sổ, tôi nghĩ đến bà Bình, người đã phải tạm biệt quê hương, chấp nhận xa chồng con trong một thời gian dài để đến đây, tham gia vào các cuộc đàm phán và ký kết thành công. Bà ấy mang lại vinh dự lớn cho phụ nữ chúng tôi. Vậy nên mỗi khi đứng ở bên cửa sổ, tôi lại nghĩ về bà ấy, về Việt Nam về những gì đã diễn ra vào thời điểm đó, tại Verrières này. Thực sự, các bạn luôn trong trái tim tôi!."

Các đại biểu xem triển lãm tư liệu báo chí về Hiệp định hòa bình Paris của Hội lịch sử Verrière-le Buisson. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  
Các đại biểu xem triển lãm tư liệu báo chí về Hiệp định hòa bình Paris của Hội lịch sử Verrière-le Buisson. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)  

Ôn lại chuyện xưa, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng nhắc đến kỷ niệm cách đây 10 năm, khi ông còn là Tham tán Công sứ Việt Nam tại Pháp, đã cùng các anh em Đại sứ quán tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định hòa bình Paris và đặt biển di tích phía trước ngôi nhà.

Đại sứ bày tỏ sự xúc động khi trở lại địa danh lịch sử này, đặc biệt là sự đón tiếp nồng hậu của ông bà chủ nhà, những người đã có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, thậm chí đã đến thăm đất nước này, gặp gỡ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và lưu giữ trong gia đình rất nhiều kỷ niệm liên quan đến Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Đại sứ khẳng định "Ngôi nhà không chỉ đánh dấu một giai đoạn lịch sử của đất nước, mà còn lưu lại tình cảm của hai dân tộc Việt Nam và Pháp"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần