Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Đông: Bất cập từ cơ sở

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) theo Kế hoạch 05 của UBND TP Hà Nội, thời gian qua quận Hà Đông đã tích cực triển khai trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập tại cơ sở.

 Thanh tra tại các cửa hàng kinh doanh chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống có địa điểm sẽ giúp cho chủ cơ sở và người lao động nâng cao ý thức về vệ sinh ATTP.
Cấp quận có chuyển biến
Theo số liệu điều tra tháng 1/2019 của UBND quận Hà Đông, trên địa bàn có 2.155 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ thực phẩm. Trong đó, có 1.671 cơ sở thuộc ngành Y tế quản lý; 286 cơ sở thuộc ngành Nông nghiệp và 198 cơ sở thuộc ngành Công thương quản lý.
Trong số này, có 1.641 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; TP quản lý là 63 cơ sở; quận quản lý 412 cơ sở, còn lại phường quản lý 973 cơ sở. Cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 92,4%.
Thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành về ATTP, quận Hà Đông đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai. Quận phân cấp những đơn vị thuộc phường quản lý thì phường thanh tra, còn cấp quận thang tra những đơ vị do quận quản lý.
Đến nay, 17/17 phường đã thực hiện thanh tra chuyên ngành về ATTP. Hàng tháng các phường tổ chức giao ban và hàng quý cấp quận tổ chức giao ban công tác thanh tra chuyên ngành ATTP.
Sau một thời gian triển khai, bước đầu công tác thanh tra có những chuyển biến mới, đó là: Tác phong của người làm công tác thanh tra chuyên nghiệp nhờ có trang phục chuẩn y. Việc thanh tra theo kế hoạch, tuân thủ đúng quy định là được thông báo trước 5 ngày đối với cơ sở thanh tra.
Công tác tuyên truyền cũng nhờ thế được triển khai tích cực trực tiếp tới các hộ kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Qua đó nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở và người lao động trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiệu quả chưa cao tại các cơ sở nhỏ lẻ
Thực hiện thí điểm thanh tra ATTP, tính hết tháng 10, quận Hà Đông đã thành lập 19 đoàn thanh tra. Trong đó, có 2 đoàn tuyến quận và 17 đoàn thực hiện thanh tra tuyến phường. Tổng số cuộc thanh tra ATTP trên địa bàn thực hiện được 14 cuộc theo kế hoạch, không có cuộc nào thanh tra đột xuất. Tất cả các cuộc thanh tra kể trên đều thực hiện ở tuyến quận. Các tuyến phường không thực hiện thanh tra được cuộc nào.
Những điểm kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ...
 ...và những hàng xôi, bánh nhỏ lẻ khi thông báo thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ khó thực hiện. Bởi họ có thể nghỉ không kinh doanh khi đoàn đến.
Bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông cho biết: Việc tuyến phường không triển khai được cuộc thanh tra nào trong thời gian qua là do tuyến phường quản lý các cơ sở nhỏ lẻ.
Theo Nghị định 155, các cơ sở nhỏ lẻ đã được bãi bỏ các thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận về ATTP. Hầu hết các cơ sở là tự khai báo chất lượng và tự công bố chất lượng ATTP. Tại Nghị định 115 của Chính phủ cũng không có phần xử phạt đối với các sơ cở này.
Trong khi đó, thực hiện thanh tra theo kế hoạch là phải báo trước 5 ngày đối với cơ sở kinh doanh chế biến. Khi báo trước như vậy thì ngày đoàn thanh tra đến họ đóng cửa, không thể tiến hàng thanh tra. Hơn nữa, các cơ sở tự khai báo và tự công bố kết quả và không có hình thức xử phạt, nếu việc thanh tra có được tiến hành vẫn không có hiệu quả.
Bởi lẽ, nếu có phát hiện nhưng sai phạm cũng chỉ nhắc nhở các cơ sở này, không có cơ sở pháp lý để xử phạt. Khi được báo trước 5 ngày như vậy, nếu đoàn thanh có làm việc được thì cơ sở đã được chuẩn bị tốt cả về trang thiết bị, khẩu trang, găng tay, dụng cụ sản xuất, nấu ăn…
Theo bà Bình, việc thanh tra chỉ phù hợp với doanh nghiệp có đầy đủ các thủ tục pháp lý và có cơ sở để xử lý khi sai phạm. Còn đối với các cơ sở nhỏ lẻ nên để công tác kiểm tra thường xuyên, như vậy cán bộ chuyên ngành vừa thường xuyên nhắc nhở họ khi có sai phạm và phù hợp với Nghị định 155 và Nghị định 115 của Chính phủ quy định về đảm bảo ATTP.