Thanh Trì nhân rộng mô hình trồng rau công nghệ Israel

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thanh Trì bước đầu triển khai thành công mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel tại xã Yên Mỹ.

 Mô hình trồng rau chất lượng cao tại xã Yên Mỹ. 

Hiệu quả bước đầu

Sau nhiều buổi học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương trong nước, tháng 6/2017, huyện Thanh Trì tổ chức nhập khẩu nguyên vật liệu, dựng nhà màng với diện tích gần 3.000m2. Đồng thời, lắp đặt hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, bơm động lực, cấp dinh dưỡng... Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ Trần Đức Vinh, mỗi luống cây xà lách có diện tích 6 x 1,5m, trồng 210 gốc cây/luống. Thời gian cho thu hoạch bình quân rau có lá (rau cải, rau muống) khoảng 25 ngày, rau xà lách khoảng 30 ngày (mùa Hè đạt trọng lượng 0,4kg/cây, mùa Đông 0,8 - 1kg/cây) và mỗi năm cho thu hoạch khoảng 12 lứa rau các loại.

Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh bộc bạch: Về đầu ra cho sản phẩm, thông qua liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát và Công ty Davicorp các loại rau ở đây được tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn, bếp ăn trường học… Đây được coi là mô hình đầu tiên và lớn nhất của TP ứng dụng theo công nghệ Israel có kinh phí đầu tư 100 triệu đồng/100m2, tổng mức đầu tư cho mô hình này gần 3 tỷ đồng, trong đó UBND huyện hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Rau chất lượng cao

Sau hai năm triển khai, mô hình này đã cho thấy hiệu quả và chất lượng rõ rệt, tạo điều kiện để địa phương tiếp tục nhân rộng. Thực tế hiện nay, xã Yên Mỹ đã có 91ha rau màu và 19ha cây ăn quả, phấn đấu hoàn thành khoảng 30ha sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với tổng diện tích này, Yên Mỹ hoàn toàn có khả năng phát triển sản xuất rau siêu sạch công nghệ cao, đặc biệt khi sản phẩm này của địa phương đang được tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, để phát triển tốt các mô hình này, rất cần TP có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giống cây trồng, xây dựng thương hiệu.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn cho biết: “Các sản phẩm rau thủy canh được Phòng thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra dư lượng, vi chất đều đảm bảo các tiêu chí về VSATTP. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu, cung cấp đến tay người tiêu dùng thông qua những điểm cung ứng sản phẩm an toàn của huyện và một số siêu thị. Bên cạnh đó, UBND huyện tiếp tục nhân rộng mô hình nhóm hộ trồng rau hữu cơ ở một số xã và phối hợp với một số DN xây dựng kế hoạch phát triển mô hình này” - ông Toàn khẳng định.
Thanh Trì hiện có 140,5ha rau an toàn và 50ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân đạt 198 tạ/ha. Huyện đang khuyến khích phát triển một số mô hình trồng rau chất lượng cao, trong đó có rau thủy canh hồi lưu theo mô hình của ông Nguyễn Mạnh Hồng (xã Yên Mỹ) với 104 giá, 728 màng, 21.840 hốc trồng rau, năng suất đạt 2,1 tấn/lứa và khu thủy canh nhỏ giọt gồm 2.000 bịch giá thể, trồng các loại rau, cà chua, dưa chuột, năng suất bình quân đạt 4 tấn trên vụ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần