Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Trì tập trung bứt phá phát triển du lịch

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 154 di tích lịch sử văn hóa, 45 lễ hội truyền thống và nhiều làng nghề nổi tiếng, những năm qua, huyện Thanh Trì đã quan tâm đầu tư tôn tạo, khôi phục và phát huy giá trị kho báu di sản địa phương.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 8 điểm du lịch được TP công nhận, mở ra hướng đi mới cho người dân trong quá trình xây dựng huyện thành quận.

Kho báu di sản vô giá

Nằm ở hữu ngạn sông Hồng, trên địa bàn còn có sông Tô Lịch và sông Nhuệ chảy qua, Thanh Trì là vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc với 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống, trong đó 90 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và TP; 8 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Đặc biệt, hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú, xã Liên Ninh; đình Triều Khúc, đình Yên Xá, xã Tân Triều được công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm.

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì năm 2024. Ảnh: Hoàng Quyết
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì năm 2024. Ảnh: Hoàng Quyết

Cùng với đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương. Tiêu biểu là lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019, trong lễ hội có các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc như: múa Trống Bồng, múa lân, múa chạy cờ, múa sênh tiền…

Thanh Trì còn là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng như Chu Văn An, Nguyễn Quốc Trinh, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm... Nơi đây còn là vùng đất có nhiều sản phẩm làng nghề nức tiếng như: mây tre đan thôn 3 xã Vạn Phúc; nón lá Vĩnh Thịnh xã Đại Áng; dệt Triều khúc xã Tân Triều, bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc, xã Duyên Hà; miến dong, bánh đa Phú Diễn, xã Hữu Hòa; rượu Ngâu xã Tam Hiệp; bánh kẹo Nội Am, xã Liên Ninh...

Đánh thức tiềm năng du lịch

Nhận thấy tiềm năng du lịch, những năm qua, huyện Thanh Trì đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện đã xây dựng dự án đầu tư Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Chu Văn An tại xã Thanh Liệt trên tổng diện tích 54,9ha với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng, hiện đã đầu tư kinh phí hơn 343 tỷ đồng.

Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án: “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2026” với tổng kinh phí 356 tỷ đồng, hiện các hạng mục đang được triển khai đúng tiến độ. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo 29 di tích với tổng kinh phí trên 153 tỷ đồng. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, huyện tiếp tục đầu tư tu bổ tôn tạo 48 dự án (48 di tích) theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trong các khu dân cư, tuyến giao thông liên xã và các tuyến đường theo quy hoạch chung, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho Nhân dân và khách du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có các tuyến đường được đưa vào sử dụng như: tuyến đường vào khu phía Đông khu tưởng niệm Chu Văn An; tuyến đường Bệnh viện Nội tiết - Ngũ Hiệp... theo hướng thiết kế tuyến phố quy hoạch đến các địa điểm, khu vực du lịch.

Bên cạnh đó, huyện triển khai xây dựng phát triển điểm du lịch và sản phẩm du lịch. Hiện trên địa bàn huyện đã và đang triển khai một số điểm đến du lịch của TP theo quy hoạch, như: khu, tuyến du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, làng nghề tại 3 xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc; khu, tuyến du lịch tâm linh "Hùng thiêng hào khí”, làng nghề hoa, cây cảnh tại các xã Thanh Liệt, Tân Triều, Tam Hiệp; khu, tuyến phát triển du lịch tâm linh, văn hóa - khoa bảng, trải nghiệm làng nghề, sinh thái tại các xã Đại Áng, Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh...

Thực hiện xây dựng các điểm du lịch của TP, đến nay huyện đã xây dựng thành công 8 điểm du lịch được UBND TP công nhận tại 8 xã gồm: Đại Áng, Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc, Đông Mỹ. Ngoài ra, UBND huyện đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và một số DN lữ hành, chuyên gia du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá, tư vấn loại sản phẩm du lịch, xác định lộ trình đầu tư phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của điểm đến du lịch huyện, theo kế hoạch phát triển du lịch của TP Hà Nội, huyện Thanh Trì năm 2024.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Bám sát Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Thanh Trì xác định tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng tăng trưởng xanh; bảo đảm hài hòa giữa phát triển với bảo tồn các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa của địa phương.

Múa Bồng tại lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Hoàng Quyết
Múa Bồng tại lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Hoàng Quyết

Theo đó, về đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình: “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2020 - 2025” của Huyện ủy.

Quan tâm triển khai đồng bộ các dự án giao thông khớp nối các khu vực, điểm du lịch. Tiếp tục lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí bãi đỗ xe tĩnh tại các điểm du lịch phù hợp quy hoạch. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác hệ thống xe điện, xe đạp thông minh phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

Về đầu tư xây dựng các điểm du lịch, ngoài việc nâng cao chất lượng 8 điểm du lịch tại 8 xã đã được TP công nhận, huyện Thanh Trì tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các địa phương phát triển thêm các điểm du lịch có tiềm năng trên địa bàn.

Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, khu ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống chợ; phát triển hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Đầu tư xây dựng các khu vực bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Đối với các xã phát triển du lịch, huyện chỉ đạo tập trung khai thác các thế mạnh, đặc trưng của địa phương như: phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm tại các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc, Đông Mỹ… Phát triển du lịch tâm linh, trải nghiệm tại làng nghề dệt Triều Khúc, xã Tân Triều; làng nghề ẩm thực bánh chưng, bánh dày xã Duyên Hà; miến dong xã Hữu Hoà và rượu Ngâu xã Tam Hiệp...

Đặc biệt, để hoạt động khai thác du lịch đem lại giá trị văn hóa và kinh tế cao, tạo ra giá trị văn hóa mới, các làng nghề và các xã quan tâm tổ chức các hoạt động truyền dạy nghề, hội thi: “Bàn tay vàng” nhằm quảng bá thương hiệu, tạo sức hút cho du lịch.

Thu hút và hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghiệp văn hóa, phát triển các không gian công cộng, công viên, vườn hoa, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí. Triển khai các dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia, đặc biệt bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể.

Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ mạng lưới DN văn hóa. Đồng thời, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch. Từng bước thực hiện mô hình kinh tế ban đêm tại các điểm du lịch…

Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp đồng bộ như trên, huyện Thanh Trì cần có thời gian, nguồn lực và sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành TP, sự chung tay góp sức của các địa phương, DN.