Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tháo gỡ bất cập trong đấu thầu thu gom rác] Bài cuối: Xây dựng cơ chế minh bạch, hiệu quả

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2017 – 2020, việc tổ chức thu gom, duy trì VSMT theo phương thức đấu thầu đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm ngân sách… Song, để phương thức trên đem lại hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo cuộc sống của người dân rất cần có những biện pháp quyết liệt nhằm loại bỏ bất cập, đặc biệt với đơn vị kém năng lực, kém kinh nghiệm... Vậy, quan điểm của chuyên gia, nhà quản lý trong vấn đề này như thế nào?

Hãy lắng nghe ý kiến của người dân

Chủ trương đấu thầu duy trì VSMT mà TP Hà Nội đã và đang thực hiện rất đáng hoan nghênh. Bởi qua thực hiện đấu thầu, các đơn vị sẽ lựa chọn ra được những nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác đảm bảo VSMT…
Tham gia các cuộc đấu thầu dự án giúp cho nhà thầu ngày càng hoàn thiện hơn ở tất cả phương diện nhằm đáp ứng yêu cầu của dự án, tiến tới mục tiêu thắng thầu. Khi việc đấu thầu được diễn ra bắt buộc các nhà thầu phải cạnh tranh nhau trên thương trường.
 
Các nhà thầu phải phát huy tối đa được tính chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội tham dự đấu thầu và ký kết hợp đồng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nếu công tác đấu thầu không được thực hiện một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng sẽ đem lại hậu quả rất lớn đối với công tác đảm bảo VSMT, ảnh hưởng đến tính đúng đắn của một chủ trương mà TP đã gây dựng.

Do đó, để chủ trương này đem lại hiệu quả, các đơn vị có liên quan phải công khai, minh bạch công tác đấu thầu, tạo ra một sân chơi lành mạnh, sòng phẳng… để khối DN hoạt động trong lĩnh vực này cạnh tranh một cách công bằng. Thậm chí, trong quá trình tổ chức đấu thầu giai đoạn mới, các đơn vị chức năng nên xem xét lấy ý kiến của người dân tại địa bàn mà đơn vị đó đã thực hiện thu gom, duy trì VSMT trong giai đoạn trước đó. Ngoài ra, trong quá trình đấu thầu cần đưa thêm các tiêu chí như có biện pháp tổ chức phân loại rác tại nguồn, bãi chứa, nhà máy xử lý… như một điểm cộng đối với nhà thầu. Tôi cho rằng, có khen phải có phạt. Đối với các nhà thầu nhiều lần không đảm bảo công tác thu gom, duy trì VSMT, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, công tác đảm bảo VSMT, TP Hà Nội cần nghiêm khắc phê bình, xử lý nghiêm… coi đó là một điểm trừ, thậm chí loại khỏi cuộc chơi.

Nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, PGS. TS Bùi Thị An
Khối lượng phát sinh là một phần của gói thầu

 
Vừa qua, nhiều DN than phiền về khối lượng công việc phát sinh so với bài thầu chậm được thanh toán gây ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng duy trì VSMT… Song, các DN khi tham gia đấu thầu và các quận, huyện tổ chức đấu thầu nên xác định đây sẽ là một phần của bài thầu… để từ đó bố trí nguồn kinh phí dự phòng thực hiện các gói thầu. Xã hội ngày càng phát triển, lượng rác thải phát sinh đương nhiên sẽ tăng lên từng ngày, từng giờ… nếu không có nguồn kinh phí dự phòng này, câu chuyện chậm thanh toán khối lượng phát sinh sẽ tái diễn.

Để công tác duy trì VSMT đem lại hiệu quả bền vững, hài hòa giữa quyền lợi, lợi ích của nhà thầu cũng như công tác đảm bảo VSMT, các cơ quan chức năng cần tính toán đầy đủ chi phí liên quan như giá nguyên liệu, tiền nhân công… sát với thực tế, nhằm đảm bảo việc hoạt động, làm ăn có lãi của đơn vị đấu thầu. Có như vậy, các nhà thầu mới yên tâm thực hiện bài thầu, tăng thêm kinh phí để tái đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải để góp phần đảm bảo VSMT, mỹ quan đô thị của Thủ đô.

Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, TS Hoàng Dương Tùng
Ưu tiên đơn vị có chế độ đãi ngộ tốt với công nhân

 
Trong những năm qua, UBND phường Trung Hòa đã phối hợp chặt chẽ, đôn đốc kịp thời đơn vị dịch vụ đảm bảo thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, không để tình trạng rác thải tồn đọng qua ngày. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên tình trạng vứt, bỏ rác ra đường và nơi công cộng vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, một số công nhân thu gom rác chưa thực hiện đúng quy trình về thời gian thu gom dẫn đến việc Nhân dân có ý kiến…

Để nâng cao hiệu quả thu gom, duy trì VSMT trong giai đoạn tới, kiến nghị các lực lượng chức năng TP khi lựa chọn đơn vị trúng thầu đảm bảo VSMT cần ưu tiên đơn vị có chế độ đãi ngộ tốt với đội ngũ công nhân để họ yên tâm làm việc. Đồng thời, có phương án tăng cường sử dụng, thiết bị, công nghệ hiện đại trong thu gom, vận chuyển rác nhằm nâng cao hiệu quả vận chuyển rác thải sinh hoạt. Ưu tiên đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung, không để tái diễn sự cố như ở bãi rác Nam Sơn dẫn đến tình trạng tồn ứ rác thải trong nội đô, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cùng với đó, TP cần có quy định điều tiết một phần nguồn thu phí VSMT cho UBND các xã, phường để chi cho việc tăng cường quản lý VSMT.

Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải Đăng
Ngày 23/9/2020, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4278/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giảm danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung của TP Hà Nội, theo đó danh mục: “Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, gồm: Thu gom, vận chuyển và duy trì VSMT trên địa bàn TP và quận, huyện, thị xã quản lý theo phân cấp” không thuộc nhóm danh mục thực hiện mua sắm tập trung của TP. Như vậy, UBND các quận, huyện, thị xã (chủ đầu tư) căn cứ vào đặc điểm, điều kiện và khả năng theo nhu cầu, yêu cầu của công tác này trên địa bàn, xây dựng tiêu chí mời thầu cụ thể và chịu trách nhiệm thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính đúng, tính đủ. 

Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng