Cái khó của nông nghiệp đại điền
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Thái Bình ngày 4/4, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) Trần Xuân Định, đánh giá lâu nay người sản xuất vẫn loay hoay trong việc dồn, đổi, tích tụ đất đai. Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp đại điền sẽ là cơ hội để cho nông nghiệp thực sự phát triển theo chuỗi hoàn chỉnh hơn.
Cũng theo ông Trần Xuân Định, việc ứng dụng những giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI, IPM, IPHM sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp canh tác lúa tiên tiến vẫn còn hạn chế tại nhiều địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) Lê Nguyên Hoài thông tin, Thái Thụy là một trong hai huyện của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế. Do đó, diện tích đất nông nghiệp thực hiện theo quy hoạch trong khu kinh tế cũng bị tác động.
“Về công tác tích tụ đất đai, các địa phương trong huyện đã thực hiện quy hoạch xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất tại 31 xã với tổng diện tích là 2.121 ha. Trong đó, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 813 ha…” - ông Lê Nguyên Hoài chia sẻ.
Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thuê, mượn ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất để thực hiện tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện Thái Thuỵ nhìn chung vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) là đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm tại thị trường cả nước nói chung và thị trường miền Bắc nói riêng.
Trong quá trình triển khai các mô hình đại điền, đại diện Vinafood 1 đã đặt vấn đề về công nghệ sau thu hoạch. “Mỗi nông hộ từ 2 đến 20 ha có thể sản xuất 12 - 120 tấn lúa tươi. Vậy công nghệ sấy nên làm như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi luôn luôn gặp phải...” - đại diện Vinafood 1 chia sẻ.
Cần có thêm chính sách sát sườn
Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng (Ngân hàng NN&PTNT), cho biết Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam là một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước với tổng dư nợ đạt 1,44 triệu tỷ đồng, phục vụ cho khoảng 30.000 doanh nghiệp, hơn 3,6 triệu hộ nông dân và hợp tác xã.
Hiện nay, bà con và các hợp tác xã đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề tài sản thế chấp. Trong chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, đại diện Ngân hàng NN&PTNT cho biết bà con có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Ngân hàng NN&PTNT, ông Vũ Trọng Thắng có một số đề xuất nhằm phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp: Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch cụ thể, hạn chế trường hợp nông dân sản xuất tự phát; đề nghị Bộ NN&PTNT có các chính sách hỗ trợ sản xuất, xử lý môi trường chất thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Bà Lê Thị Lệ Thu, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) thông tin về một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp. Theo đó, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ.
Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nhà nước có chính sách khuyến khích thông qua việc ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
Về cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa, người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang đề nghị tiếp tục có nghị định hướng dẫn.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch... Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống.
Mô hình đại điền ra đời trong bối hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ông Thịnh cũng cho rằng, mô hình đại điền chỉ có thể thành công khi đảm bảo các yếu tố: lớn, chất lượng thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, ông Thịnh đề nghị các doanh nghiệp, khi đồng hành cùng các đại điền cần cụ thể hóa tất cả các vấn đề để đại điền dễ dàng tiếp cận, hợp tác, áp dụng. Bên cạnh đó, các đại điền phải luôn vững tin vào hướng đi mà mình đang chọn là đúng đắn, chắc chắn thành công. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội sẽ luôn đồng hành...
“Để phát triển nông nghiệp đại điền, cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản”
Ông Nguyễn Doãn Hùng - Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)