Tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư hệ thống đường sắt đô thị
Kinhtedothi- Chiều 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày cho biết, Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt
Trong đó có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...). Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Một nội dung mới nữa trong Dự thảo Luật là việc sửa đổi quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng và công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, công trình đường sắt quốc gia dùng chung với đường sắt địa phương, đường sắt dùng chung với đường bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc bổ sung các quy định này tạo cơ sở pháp lý cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, ví dụ như việc đầu tư xây dựng cầu chung giữa đường sắt và đường bộ (cầu Lạch Huyện, cầu Cần Thơ 2...).
Trích dẫn
Dự thảo Luật được sắp xếp, bố cục lại gồm 7 Chương, 67 Điều, giảm 3 Chương, 20 Điều so với Luật Đường sắt 2017, lược bỏ quy định đối với 20% số lượng thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh so với Luật Đường sắt hiện hành để đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Theo Dự thảo Luật, hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm: đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương (gồm đường sắt đô thị và đường sắt thông thường vận tải cả hành khách và hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương) và đường sắt chuyên dùng. Quy định này nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn của các địa phương như Bình Dương, Tây Ninh, Thanh Hóa... có nhu cầu đầu tư đường sắt thông thường (không phải đường sắt đô thị).
Để rút ngắn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về: được áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi. Cùng với đó, quy định UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không phải thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để thể chế hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị “về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để đẩy nhanh tiến trình đầu tư, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035, nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Thẩm tra về Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về quy hoạch mạng lưới đường sắt, tuyến đường sắt và ga đường sắt, ủy ban đề nghị rà soát, làm rõ những nội dung mới, khác so với quy định của Luật Quy hoạch.
Nếu không có những nội dung mới, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị dẫn chiếu thực hiện theo Luật Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, một số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị rà soát, làm rõ quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho từng loại hình đường sắt cũng như sự kết nối giữa các loại hình này trong hệ thống giao thông đường sắt quốc gia.
Về kết nối đường sắt, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ và nghiên cứu, bổ sung một số quy định về cơ chế kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác; tiêu chí công suất của các cảng, đặc biệt là về cảng cạn, cảng hàng không; việc quyết định kết nối ray giữa các tuyến đường sắt chuyên dùng…

Đại biểu Quốc hội: cần kiểm soát giá bán, giá thuê nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Khẳng định nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, ưu việt của chế độ ta với những đối tượng đặc thù, song, đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không kiểm soát được giá bán, giá thuê nhà ở xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Tuần này, Quốc hội sẽ thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Hôm nay (ngày 26/5), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV tiếp tục tuần làm việc thứ 4, theo đó, từ ngày 26/5 - 29/5, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội…

Đại biểu Quốc hội đề xuất tử hình tội kinh doanh, sản xuất thực phẩm giả
Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa thêm khung hình phạt cao nhất là tử hình chứ không phải chung thân với tội kinh doanh, sản xuất thực phẩm giả, đặc biệt là sữa và thực phẩm chức năng vì ảnh hưởng đến người yếu thế trong xã hội.