Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế để phát triển kinh tế tập thể

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở các bộ, cơ quan T.Ư.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; cùng các bộ, ngành liên quan và đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế…

Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. 

Tìm giải pháp thiết thực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị là sự kiện quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đưa ra các định hướng để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh mới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thành tổng kết việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung làm rõ các nội dung quan trọng như: Đánh giá khách quan tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ và Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong đó nhấn mạnh đến những kết quả đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân vì sao và rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để thực hiện thời gian tới tốt hơn.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội. 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua phát triển chưa được như mong muốn. Đồng thời, đánh giá chính xác sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kể cả những trì trệ, yếu kém tác động trực tiếp đến thành phần kinh tế quan trọng này. Từ đó phân tích dự báo tình hình trong nước, quốc tế cũng như những cơ hội phát triển đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đồng thời, xác định những bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng cũng như thách thức với sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã như: Phát huy vai trò của khoa học công nghệ, liên kết chuỗi, tích tụ ruộng đất, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, việc huy động nguồn vốn và quản trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

“Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Việc đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp thiết thực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Trong đó, chúng ta phải lấy con người là trọng tâm, mục tiêu và chủ thể của quá trình thực hiện chính sách này của Đảng. Cùng với đó là những lợi ích mà người dân được hưởng thông qua chủ trương lớn này của Đảng để qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã Tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Thị Lan Hương phát biểu tham luận tại điểm cầu thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã Tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Thị Lan Hương phát biểu tham luận tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Luật hợp tác xã năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực hợp tác xã. Các hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển hợp tác xã.

Đến 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/hợp tác xã, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013 . 

Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.

Tham luận tại hội nghị, 10 ý kiến đại diện các bộ, ngành địa phương phát biểu đều khẳng định, đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tổ chức tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TƯ và Luật hợp tác xã trong ngành, lĩnh vực và địa bàn một cách khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp to lớn của kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn thể hiện vai trò, dấu ấn trong mỗi quá trình lịch sử của đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

“Việc thực hiện Nghị quyết đã được các địa phương triển khai nghiêm túc, thể chế hóa và hiện thực hóa qua các đề án, chương trình hành động. Nhờ đó, nhận thức của người dân về xây dựng hợp tác xã kiểu mới để phù hợp với thực tiễn đã được nâng lên một bước. Đặc biệt, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, khắc phục được tình trạng yếu kém trước đây. Đồng thời, khẳng định được tiềm năng, triển vọng cũng như dư địa phát triển trong thời gian tới” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chỉ ra những tồn tại đã kiềm chế sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tập trung khắc phục những hạn chế này, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Cho rằng dư địa phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn rất lớn, đặc biệt với khu vực nông thôn của nước ta, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Cùng với đó, cần quan tâm đến công tác thống kê, thu thập dữ liệu để trên cơ sở đó đánh giá một cách khoa học kết hợp với thực tiễn. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.