Tháo “ngòi nổ” cho cuộc chiến ngân sách Mỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến ngân sách Mỹ cũng như “bóng ma” đóng cửa chính phủ đã tạm kết...

Kinhtedothi - Cuộc chiến ngân sách Mỹ cũng như “bóng ma” đóng cửa chính phủ đã tạm kết thúc sau khi lãnh đạo Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ hôm 27/10 thông qua thỏa thuận ngân sách 2 năm cho phép tăng chi tiêu liên bang lên 80 tỷ USD nhằm nâng trần nợ đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Chạy đua với thời gian

Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số chuẩn bị có lãnh đạo mới. Các lãnh đạo lưỡng đảng và Quốc hội Mỹ đã phải chạy đua để hoàn tất thỏa thuận ngân sách trên, trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner chuyển giao trọng trách cho người kế nhiệm Paul Ryan. Ngày 28/10, thỏa thuận này đã tiếp tục “qua cửa” Hạ viện Mỹ với tỷ lệ phiếu thuận – chống là  266 – 167.

Theo “dự thảo thảo luận” dài 144 trang phản ánh các nội dung của thỏa thuận, mức trần nợ sẽ được tăng đến tháng 3/2017, giúp Chính phủ Mỹ không phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng và chi tiêu trong nước, đồng thời tránh nguy cơ vỡ nợ vào tháng 11 tới.
Thỏa thuận ngân sách vừa đạt được là một thắng lợi của Tổng thống Obama.
Thỏa thuận ngân sách vừa đạt được là một thắng lợi của Tổng thống Obama.
Trọng tâm của thỏa thuận là trần ngân sách toàn diện, cho phép rót thêm 80 tỷ USD vào ngân sách chi tiêu cho tới năm 2017, cân bằng giữa chi tiêu quân sự và trong nước. Khoảng 50 tỷ USD trong ngân sách bổ sung sẽ dành cho tài khóa 2016, bắt đầu từ ngày 1/10 và 30 tỷ USD còn lại sẽ dành cho năm tài khóa 2017. Nội dung này cho thấy lưỡng đảng đã có những “nhượng bộ” từ cả đôi phía, trước đó chi tiêu quân sự là ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong khi phía chính quyền Tổng thống Obama luôn kêu gọi thúc đẩy tiêu dùng trong nước cho các hoạt động y tế, an sinh xã hội.

Chiến thắng lớn

Xét về phương diện chung, đây là chiến thắng lớn của Tổng thống Barack Obama và phe Dân chủ thiểu số trong Quốc hội. Việc thông qua kế hoạch ngân sách là điều kiện tiên quyết để nâng trần nợ công, qua đó giúp nước Mỹ tránh được viễn cảnh vỡ nợ. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính phủ sẽ vỡ nợ nếu giới hạn vay theo luật định không được nới lỏng đến ngày 3/11, trong khi quốc khố cạn kiệt vào ngày 11/12.

Quan trọng hơn đó là đột phá trong quá trình giải quyết những bế tắc về tài chính lâu năm của Quốc hội Mỹ. Trong nhiều năm qua, đảng Cộng hòa đã thường xuyên dùng "chiêu bài tiền bạc" để ép chính phủ của Tổng thống Barack Obama phải nhượng bộ trong các chính sách đối nội và đối ngoại. Tất nhiên, để có được chiến thắng này, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã hoàn tất các “mặc cả” nhất định.

Đối với chính quyền ông Obama, đây chưa phải một thỏa thuận hoàn hảo khi mục tiêu tăng ngân sách cũng như trần vay nợ liên bang đề ra trước đó cao hơn, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn khi đẩy lùi trận chiến ngân sách, tạo điều kiện để Tổng thống Obama bảo toàn các di sản đối nội và đối ngoại trong phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai. Ngược lại, đảng Cộng hòa đã chấp nhận lùi bước để thuyết phục cử tri rằng họ có thể chi phối hiệu quả các chính sách khi nắm đa số ở Quốc hội, cũng như tạo đà thuận lợi cho việc kế nhiệm của ông Paul Ryan.

Thực tế, “bóng ma” đóng cửa chính phủ vì thiếu nguồn chi tiêu của năm 2013 vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi, khi ông Paul Ryan phải đối mặt với thử thách thông qua kế hoạch chi tiêu chi tiết của liên bang trước ngày 11/12. Hiện thỏa thuận ngân sách này đã được trình lên Thượng viện Mỹ để chờ được phê chuẩn.