Tháo “nút cổ chai” để giảm ùn tắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc quy hoạch hệ thống giao thông, góp phần giải tỏa nhiều điểm ùn tắc.

Tuy nhiên hiện nay, còn nhiều đoạn đường được ví như những “nút cổ chai” thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông (UTGT). Trong đó, có những điểm chỉ xảy ra khi đông xe, nhưng cũng có những con đường ngổn ngang do nhiều dự án, khiến ùn tắc trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên.

Điểm nóng ùn tắc

Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng mạng lưới giao thông Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều “nút cổ chai”. Có những con đường đang rộng bỗng dưng bị bóp lại và cũng có vô số nút thắt vô hình nằm trong khâu quản lý điều hành và ý thức của người tham gia giao thông.
Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. 	Ảnh: Phạm Hùng
Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Khảo sát trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, dọc tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy xuất hiện nhiều điểm nút giao thông “cổ chai” do nhà thi công rào chắn, đường bị thu hẹp, trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này luôn đông nên vào giờ cao điểm, tình trạng ùn ứ  luôn xảy ra. Kể từ thời điểm dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh) được khởi công trên dọc tuyến này luôn xuất hiện nhiều điểm nút “cổ chai” do nhà thi công rào chắn, đường bị thu hẹp. Điểm đầu của tuyến giao với đường Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân), điểm cuối giao với đường Giải Phóng tại cầu vượt Ngã Tư Vọng. Do chưa GPMB xong nên con đường này chia thành 3 đoạn, trong đó 2 đoạn có "cổ chai".

Trong khi đó, việc lưu thông vào giờ cao điểm qua tuyến đường từ hầm chui Kim Liên đến đường Xã Đàn hoặc từ đường Lê Duẩn rẽ vào đường Xã Đàn trở thành ác mộng của người tham gia giao thông, bởi đoạn đường này từ khi khai thông luôn xảy ra tắc nghẽn. Nguyên nhân do trên cả tuyến đường rộng bỗng nhiên bị thắt lại bởi một đoạn "cổ chai". Nút thắt này chính là một số nhà hàng, bãi rửa xe lấn ra tới 1/2 lòng đường, gây UTGT nghiêm trọng vào giờ cao điểm khiến nhiều người điều khiển xe máy "trèo" lên cả vỉa hè để lưu thông. Đoạn nút thắt cổ chai này có chiều dài khoảng 120m; diện tích đất khoảng 1.600m2. Sau khi bỏ ra chi phí vài ngàn tỷ đồng để xây dựng 1km đường ở đây, người dân vẫn ngán ngẩm vì dẫu đi trên "đường ngàn tỷ", cảnh kẹt xe vẫn liên tục diễn ra.

Tại khu vực quận Cầu Giấy, đoạn đầu đường Nguyễn Văn Huyên tại nút giao với đường Hoàng Quốc Việt cũng đang tồn tại một "nút cổ chai” khiến các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực này hay xảy ra xung đột.

Cần nới nút thắt

Việc đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông mới, hiện đại là tất yếu, nhằm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị. Xuất phát từ mục đích lâu dài đó, người dân Thủ đô luôn hỗ trợ trong phạm vi có thể của mình khi tham gia giao thông qua những tuyến đường “nút cổ chai” do các dự án đang triển khai. Song chính quyền địa phương cùng các đơn vị chức năng cần đốc thúc, quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm đúng tiến độ, giải tỏa nhanh, gọn từng khu vực thi công. Bởi lẽ cứ mỗi công trình bị kéo dài sẽ gây ra hiện trạng một khu vực có nhiều “nút cổ chai” do thi công dang dở. Đây mới chính là bức xúc của người dân, là những khó khăn không thể cảm thông và chia sẻ khi cảnh ùn tắc, đi lại nguy hiểm, bụi bặm ngày nắng nóng hay bùn lầy nước đọng ngày mưa cứ kéo dài mãi, không biết lúc nào mới chấm dứt.

Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm “thắt cổ chai” để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Song song với việc tổ chức phân luồng giao thông ở những khu vực thường xảy ra ùn tắc, lắp đặt mới giải phân cách và đèn tín hiệu ở các nút giao thông quá tải; đồng thời cải tạo kích thước hình học của nhiều khu vực “thắt cổ chai”. Đối với những “nút cổ chai” do các công trình xây dựng quây rào chắn, thu hẹp lòng đường, cơ quan chức năng cần ưu tiên ngân sách để xử lý triệt để. Phải có những động thái quyết liệt, kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ, kéo dài. Đồng thời kết hợp rà soát, thống kê, phân loại đường, nút giao thông để đề xuất các biện pháp tổ chức điều hành giao thông cho phù hợp. Tại những "nút cổ chai" do công trình trọng điểm đang thi công bị rào chắn, chật hẹp, Ban quản lý các dự án cần bố trí các loại rào chắn di động để mở thêm một làn đường cho phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm. Giải pháp quan trọng nhất là chủ đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện  dự án theo đúng tiến độ, tạo sự thông thoáng cho phương tiện tham gia giao thông.

Người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không đi lấn làn đường, dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định; nên tuân theo hướng dẫn của các biển báo phân luồng khi qua nút giao thông “cổ chai” từ xa. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm thì cương quyết xử lý thật nghiêm mới đủ sức răn đe.