Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấp thỏm dưới chân núi lở

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 17 tỷ đồng với 2 lần triển khai dự án khẩn cấp chống sạt lở ở núi Van Cà Vãi (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), thế nhưng, người dân vùng chân núi vẫn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu.

Đêm đến không dám ở trong nhà

2 lần bị núi Van Cà Vãi sạt lở, đất đá đổ ập vào nhà làm sập gian bếp, chuồng gia súc, nhà vệ sinh..., gia đình 5 nhân khẩu của ông Đinh Ang và bà Đinh Thị Thẻo (tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) luôn sống trong cảnh bất an, phập phồng lo sợ khi mùa mưa lũ đến.

Một phần ngôi nhà của ông Đinh Ang và bà Trần Thị Thẻo bị sập sau vụ sạt lở núi tháng 12/2022. 
Một phần ngôi nhà của ông Đinh Ang và bà Trần Thị Thẻo bị sập sau vụ sạt lở núi tháng 12/2022. 

"May là chưa có người chết, nhưng mỗi lần núi sạt lại tốn cả chục triệu đồng sửa nhà. 2 lần vậy, đã nghèo lại càng nghèo hơn"- bà Thẻo than thở.

Năm nay, chính quyền thực hiện dự án khẩn cấp chống sạt lở ở núi Van Cà Vãi, cũng là lần thứ 2 ngọn núi này được gia cố, chống sạt. Dự án triển khai trong thời điểm có những trận mưa dông kéo đến khiến ngôi nhà của bà Thẻo bị nước tràn vào.

"Không biết nước từ đâu, trên núi hay nước ngầm mà chảy vào tận phòng khách. Dự án đang làm nhanh, nhưng nếu xong rồi đêm đến cả nhà tôi vẫn không dám ở, lo kiếm chỗ khác trú chân, lỡ núi lại sạt thì biết làm sao"- bà Thẻo trăn trở.

Bà Thẻo cho biết, nhà của bà đã bị 2 lần bị sập gian bếp do núi sạt lở.
Bà Thẻo cho biết, nhà của bà đã bị 2 lần bị sập gian bếp do núi sạt lở.

Cách nhà bà Thẻo không xa là nhà bà Trần Thị Thọ. Buôn bán tạp hóa ngay dưới chân núi để mưu sinh, 6 nhân khẩu trong gia đình bà cũng trong tình cảnh đêm đến lại khăn gói đi ở nhờ vì lo núi lở.

"Chính quyền đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Khu này có đất của 7 hộ dân, nhưng chỉ 5 hộ có nhà ở thuộc diện tái định cư. Tôi với nhà bà Thẻo và thêm một nhà nữa muốn đi, 2 hộ còn lại thì có một hộ chần chừ, hộ kia không đồng ý vì diện tích đất của họ ở đây quá nhiều, trong khi qua nơi tái định cư chỉ được 100m2, lại không có đền bù nên họ không chịu"- bà Thọ cho hay.

Mấy năm trước, khi đang chui vào chuồng heo để quét nền, bà Thọ nghe “rầm”, rồi đất đá từ trên cao đổ xuống làm sập hai bức tường. Hoảng quá bà hô hoán rồi vùng chạy ra đường. Kể từ đêm đó, cứ tối đến là bà và người dân dưới chân núi không ai dám ở nhà.

Ban ngày, dù biết là nguy hiểm nhưng người dân buộc phải “nín thở” và phó mặc cho số phận để về nhà lo cho sinh kế, chăm sóc heo, gà và dọn dẹp bùn nhão tràn vào nhà. Còn ban đêm, họ phải do di tản, bởi nỗi lo núi sạt không biết đường thoát thân.

Bà Thọ bảo rằng, núi Van Cà Vãi đã sạt lở từ nhiều năm trước. Tại nơi này, dù đã từng làm dự án chống sạt lở nhưng sau đó núi vẫn tiếp tục đổ xuống nhà dân. Nên giờ dự án thứ 2 làm xong, bà và người thân vẫn sống trong cảnh thấp thỏm.

Dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi đang được thi công.
Dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi đang được thi công.

"4 năm rồi , mùa mưa là năm nào cũng chạy. Từ ngày công trình chống sạt lở lần thứ 2 thi công, mưa to là tôi với mấy hộ dân xung quanh đây đều đi kiếm chỗ khác ở. Sắp tới dự án làm xong vẫn không yên tâm"- bà Thọ nói.

 17 tỷ đồng và 2 lần khẩn cấp chống sạt lở

Năm 2021, núi Van Cà Vãi bị sạt lở, uy hiếp 5 nhà dân ở chân núi. Tháng 6/2021, huyện Sơn Hà đầu tư 3 tỷ đồng để thi công khẩn cấp chống sạt lở núi này.

Khoảng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà có quyết định bàn giao công trình thi công khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi cho UBND thị trấn Di Lăng quản lý.

Thế nhưng, cũng chính vào mùa mưa năm 2023, núi Van Cà Vãi tiếp tục sạt lở, đe dọa cuộc sống của các hộ dân. Năm 2024, huyện Sơn Hà lại đầu tư 14 tỷ đồng thi công khẩn cấp chống sạt lở từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Lý giải nguyên nhân vì sao trước đây chi 3 tỷ đồng chống sạt lở khẩn cấp mà núi Van Cà Vãi vẫn bị sạt lở, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phan Anh Quang cho biết, điểm sạt lở khắc phục trước nằm cùng một bên sườn đồi. Khi khắc phục xong thì gần đó lại tiếp tục sạt lở.

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi được khởi công ngày 15/7 theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi được khởi công ngày 15/7 theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi khởi công ngày 15/7, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/10/2024. Thế nhưng, đến trung tuần tháng 9 vừa qua, khối lượng thi công chỉ đạt hơn 23%.

Theo ông Phan Anh Quang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công dự án bị chậm. Trước tiên, từ chủ trương của UBND tỉnh là tái định cư và xử lý chống sạt lở núi Van Cà Vãi, huyện lên phương án xử lý chống sạt lở và chọn vị trí tái định cư. Thế nhưng sau nhiều lần họp dân lấy ý kiến, người dân vẫn không thống nhất.

Cụ thể, các hộ dân dưới chân núi Van Cà Vãi không chịu di dời về nơi tái định cư, mà xác định ở lại, mùa mưa tự di chuyển, tự chịu trách nhiệm. Nguyên nhân vì khi về ở nơi tái định cư chỉ được bố trí 100m2 đất/hộ, trong khi diện di dời do sạt lở thì không được đền bù về nhà, đất.

Tiếp đến là khu vực đỉnh núi Van Cà Vãi còn có trụ điện thuộc đường dây 110kV của Công ty CP thủy điện Đạt Phương Sơn Trà, nằm trong bán kính xử lý sạt lở, nhưng chưa có biện pháp di dời.

Trụ điện của Công ty CP thủy điện Đạt Phương Sơn Trà nằm ở trên đỉnh núi.
Trụ điện của Công ty CP thủy điện Đạt Phương Sơn Trà nằm ở trên đỉnh núi.

Đáng chú ý, tháng 6/2024, lãnh đạo Cục Đê điều, phòng chống thiên tai về kiểm tra tại điểm sạt lở núi Van Cà Vãi và cho rằng, giải pháp thiết kế không đảm bảo, nguy cơ tái sạt lở rất cao. Lãnh đạo đạo cục cũng yêu cầu phải di dời trụ điện nói trên để gia cố sạt lở.

Qua nhiều cuộc họp, UBND huyện Sơn Hà báo cáo và được tỉnh cho chủ trương không thực hiện tái định cư, chỉ thực hiện gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi. Nhưng do địa hình, địa chất nơi đây phức tạp, tại tỉnh không tìm được đơn vị thiết kế.

Sau cùng, phương án được chọn là không di dời các hộ dân dưới chân núi, tiến hành bạt sâu vào núi để giật cơ lên sát móng trụ điện, hình thành rãnh đỉnh thoát nước trên mặt cơ – cơ hiện trạng, dốc nước liên thông các cơ xuống rọ đá gia cố dưới chân cơ 1. Bề mặt các cơ không được gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật, chống xói và khoan rút nước ngầm.

Theo lãnh đạo chính quyền huyện Sơn Hà, phần gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi đạt hơn 80%.
Theo lãnh đạo chính quyền huyện Sơn Hà, phần gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi đạt hơn 80%.

“Phương án kỹ thuật phải giật cơ thành 9 cấp, bóc hết lớp đất đá yếu với khối lượng khá lớn, khoảng 40.000m3 cho đến khi xuất hiện lớp đất sỏi đá bên trong và thực hiện biện pháp kỹ thuật để không xói lở. Đến thời điểm này, về tổng thể toàn bộ dự án chậm tiến độ, chỉ đạt gần 25%, nhưng phần gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi đạt hơn 80%”- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết.

Tuy nhiên, dù triển khai 2 dự án chống sạt lở Van Cà Vãi với tổng kinh phí 17 tỷ đồng để bảo vệ đời sống của 5 hộ dân cùng 24 nhân khẩu dưới chân núi, nhưng vấn đề đảm bảo sự an toàn của người dân trong thời gian tới (khi dự án thứ 2 đưa vào sử dụng) vẫn là mối hoài nghi, chưa có câu trả lời chắc chắn.

“Vệc khắc phục sạt lở núi là phương án tối ưu hiện nay, nhưng do địa hình, địa chất phức tạp nên chưa dám khẳng định điều gì. Đây vẫn là mối lo của huyện"- ông Quang chia sẻ.