Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấp thỏm lãi suất

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối xu hướng tăng lãi suất của một số ngân hàng từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã có thêm ngân hàng tăng lãi suất lên 10,6%/năm, kèm theo chương trình khuyến mãi hút tiền gửi trước Tết.

Lãi suất huy động nóng ngay từ đầu năm

Trong tuần đầu năm 2022, VPBank áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn Prime Savings trên 300 triệu đồng, cao nhất 10,6%/năm cho tháng đầu tiên đối với kỳ hạn gửi 15 tháng, lãi suất các tháng sau 5,3%/năm; kỳ hạn 7 tháng có lãi tháng đầu lên 10%/năm, tháng sau 5%/năm...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sacombank tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng vào đầu tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm, kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm; 3 tháng 3,59%/năm; 6 tháng 4,56%/năm; 12 tháng 5,65%/năm... Đối với tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao hơn từ 0,4 - 0,5%/năm tùy kỳ hạn, chẳng hạn như 1 tháng là 3,6%/năm, 6 tháng 5,1%/năm, 12 tháng lên 6,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Một ngân hàng quy mô nhỏ khác là DongABank cũng tăng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm cho tất cả kỳ hạn. Cũng tăng lãi suất nhưng SeABank và Oceanbank chỉ áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng. Lãi suất tại quầy kỳ hạn 6 tháng của SeABank tăng tới 0,5 điểm phần trăm lên 5,9% một năm; 9 tháng tăng hơn 0,3 điểm phần trăm lên 6,05%. Kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên 6,2%.

Xu hướng tăng lãi suất vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần không còn diễn ra cục bộ ở một vài ngân hàng. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính, đây là điều dễ hiểu khi thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn so với giai đoạn trước do yếu tố mùa vụ. Đây là giai đoạn nhiều DN cũng cần vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cũng như chi trả lương, thưởng cho người lao động. Ngoài việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng cũng tung ra những chương trình khuyến mãi hút vốn cuối năm.

Nhu cầu vay cao, lo lãi suất cho vay tăng

Nhu cầu vay vốn đang tăng cao trong khi huy động vốn có tốc độ tăng trưởng không tương xứng, khiến lãi suất huy động của các nhà băng được điều chỉnh tăng lên gần đây. Tốc độ cho vay của ngành ngân hàng từ cuối năm 2021 cũng tăng nhanh hơn, chỉ tính riêng tháng 12/2021 tăng 2,8%, trong khi một số tháng trước đó có khi rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng năm 2021 lên hơn 14%.

Cụ thể, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, ngành ngân hàng đã bơm hơn 470.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Năm nay, với kỳ vọng nền kinh tế mở cửa liên tục ngay cả khi dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, thì nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021.

Trong khi đó, cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm đầu vào của ngân hàng phải tăng trở lại.

Lãi suất huy động nhích lên khiến các DN lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đang từng bước hồi phục sau dịch.

"Để sớm khôi phục trở lại, các DN đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để bù đắp khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt, trong quá trình này, DN rất cần vốn lưu động để đầu tư vào chuỗi cung ứng, hàng hóa. Do đó, việc nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất đầu vào, cộng thêm áp lực lạm phát từ các nước trên thế giới và trong nước là một nỗi lo lớn của DN" - Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans Phạm Văn Việt cho biết.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại, quanh mức 0,25 - 0,5 điểm phần trăm, nhất là trong nửa cuối năm 2022.

Trong khi đó, SSI Research lại cho rằng, dư địa cho việc giảm mạnh lãi suất huy động là không còn, nhưng NHNN sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên.

Một số chuyên gia cho rằng, NHNN có thể hỗ trợ nền kinh tế bằng việc duy trì bộ khung lãi suất điều hành như hiện tại để bình ổn lãi suất liên ngân hàng khi nhu cầu vốn của DN tăng mạnh. Lạm phát năm 2021 ở mức rất thấp, chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát thấp là điều kiện tốt để chính sách tiền tệ có nhiều dư địa trong việc giữ lãi suất điều hành ổn định trước các sức ép tăng lãi suất từ Fed trong giai đoạn tới.

Diễn biến mới nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính sách tiền tệ sẽ tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới.

Trong lúc chờ đợi, để NHNN tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và DN vượt qua đại dịch, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng: NHNN nên tiếp tục thực hiện các thông tư về giảm lãi, phí, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp; sớm luật hóa xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, NHNN cần linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 14% trong năm 2022 - 2023, bao gồm cả phần tín dụng có hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.