Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất bại của U20 Việt Nam và bài học cho đào tạo bóng đá trẻ

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - U20 Việt Nam không thể giành vé tham dự vòng chung kết U20 châu Á 2025 mang đến nỗi lo cho bóng đá Việt Nam trong việc hiện thực hóa giấc mơ World Cup 2030.

Kết quả đáng thất vọng

Cánh cửa đến với vòng chung kết U20 châu Á 2025 tưởng rằng rất mở, cuối cùng đã khép lại với U20 Việt Nam. Đội quân của HLV Hứa Hiền Vinh được thi đấu trên sân nhà và chỉ cần một trận hòa là có thể đi tiếp, nhưng để thua U20 Syria, U20 Việt Nam không thể nằm trong nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

U20 Việt Nam không thể giành vé dự vòng chung kết U20 châu Á 2025. Ảnh: Như Đạt
U20 Việt Nam không thể giành vé dự vòng chung kết U20 châu Á 2025. Ảnh: Như Đạt

Khép lại hành trình tại vòng loại U20 châu Á 2025, U20 Việt Nam thắng 3 trận, thua 1 trận, đứng nhì bảng A với 9 điểm. Vòng chung kết U20 châu Á 2025 diễn ra tại Trung Quốc sẽ có sự góp mặt của 10 đội đầu bảng và 5 đội nhì bảng ở vòng loại.

Trải qua vòng bảng, vòng chung kết U20 châu Á đã xác định được 16 đội giành vé tham dự là: Trung Quốc (chủ nhà), Syria (bảng A), Uzbekistan (bảng B), Hàn Quốc (bảng C), Saudi Arabia (bảng D), Triều Tiên (bảng E), Indonesia (bảng F), Iran (bảng G), Iraq (bảng H), Nhật Bản (bảng I), Qatar (bảng J) và 5 đội nhì bảng có thành tích xuất sắc nhất, gồm: Yemen, Kyrgyzstan, Thái Lan, Australia, Jordan.

Như vậy, Đông Nam Á sẽ có hai đại diện tham dự vòng chung kết là U20 Thái Lan và U20 Indonesia. Ở bảng F, U20 Indonesia dẫn đầu bảng với 7 điểm sau 3 lượt trận. Ở lượt cuối, U20 Indonesia cầm hòa U20 Yemen với tỷ số 1-1, hiệu số (+6). Trong khi đó ở bảng H, U20 Thái Lan nhận thất bại 0-1 trước U20 Iraq để xếp ở vị trí thứ hai với 6 điểm. Tuy vậy, sau 2 trận đấu, U20 Thái Lan có hiệu số (+17), từ đó có vé đi tiếp.

Theo thống kê, kể từ năm 2010 - 2023, U20 Việt Nam có 7 lần liên tiếp vượt qua vòng loại U20 châu Á. Thậm chí năm 2017, U20 Việt Nam còn xuất sắc có vé dự U20 World Cup với thành tích vào tới trận bán kết giải U20 châu Á 2016 (khi đó còn là U19 châu Á). Lần gần nhất U20 Việt Nam không vượt qua vòng loại ở đấu trường này là vào năm 2008. Đây là kết quả đáng thất vọng của U20 Việt Nam.

Báo động cho bóng đá trẻ Việt Nam

Nhìn lại hành trình vòng loại, U20 Việt Nam chỉ có thể tự trách mình. Đoàn quân của HLV Hứa Hiển Vinh được thi đấu trên sân nhà và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả trên sân Lạch Tray (Hải Phòng) trước các đối thủ không thực sự vượt trội. Ở 3 trận đầu tiên, mặc dù toàn thắng nhưng U20 Việt Nam không thể tạo nên những màn trình diễn thuyết phục. 

Báo động cho bóng đá trẻ sau kết quả của U20 Việt Nam. Ảnh: Như Đạt
Báo động cho bóng đá trẻ sau kết quả của U20 Việt Nam. Ảnh: Như Đạt

Nhìn nhận một cách thực tế, U20 Việt Nam còn quá nhiều vấn đề lớn trong cách vận hành từ phòng ngự cho đến triển khai tấn công. Những điểm nhấn chủ yếu của đại diện Việt Nam chỉ là đến từ cá nhân, trong đó Công Phương là cầu thủ sáng giá nhất.

Những sai lầm đã khiến U20 Việt Nam phải trả giá đắt, trong đó có bàn phản lưới nhà của Ngọc Chiến trong trận đấu "chung kết" của bảng đấu. Thậm chí, cách vực dậy tinh thần sau khi nhận bàn thua của U20 Việt Nam là điều đáng lưu tâm.  

Để tuột mất tấm vé tới vòng chung kết U20 châu Á không phải thảm họa, nhưng là đòn mạnh giáng vào niềm tin của người hâm mộ và báo động cho bóng đá trẻ của Việt Nam.

Mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong tương lai là hướng tới mơ giấc mơ World Cup. Tuy nhiên, sau khi tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng loại thứ 2 World Cup 2026, nhà chức trách của bóng đá Việt Nam chuyển hướng mục tiêu tới World Cup 2030. Điều này đồng nghĩa, những cầu thủ của U20 hiện tại sẽ là nòng cốt, đóng vai trò trong việc hiện thực hóa giấc mơ vào năm 2023 và vòng chung kết U20 châu Á 2025 là cơ hội tốt để cọ xát, nâng cao năng lực.

Việc đánh mất cơ hội ở từng giải đấu là thiệt thòi đối với cầu thủ trẻ khi tại Việt Nam, hệ thống thi đấu giải trẻ có quá ít trận đấu trong năm. Lúc này, các cầu thủ trẻ lại mong chờ vào việc được ra sân trong màu áo CLB ở V-League cũng như hạng Nhất để tích lũy kinh nghiệm và tư duy đấu pháp.

Tuy nhiên, không phải cầu thủ trẻ nào cũng được trao cơ hội khi áp lực thành tích là điều mà các đội bóng phải lựa chọn. Đây cũng là bài toán khó có lời giải và tiếp tục cảnh tỉnh cho việc chưa chú trọng đúng mức chuyện đào tạo trẻ của Việt Nam.