Đảng Bảo thủ của ông Johnson thua to, cho dù mức độ thua không lớn như các dự đoán, trong cuộc bầu cử nghị viện chính quyền địa phương ở xứ Anh, Scottland và Wales. Sau đó, ở cuộc bầu cử nghị viện tại Bắc Ireland, lần đầu tiên trong hơn một trăm năm nay kể từ khi xứ Bắc Ireland thuộc về quyền quản lý của Anh, đảng Sinn Fine - đảng phái chính trị luôn chủ trương tách Bắc Ireland ra khỏi Vương quốc Anh và để tái thống nhất với Ireland – đã trở thành đảng phái chính trị lớn nhất ở xứ này.
Kết quả bầu cử ấy của phe ly khai ở Bắc Ireland có ý nghĩa lịch sử đối với cả nước Anh lẫn xứ Bắc Ireland. Tuy việc thành lập chính quyền mới ở Bắc Ireland sẽ rất khó khăn và phức tạp bởi Hiệp định hòa bình cho Bắc Ireland năm 1998 quy định phe ly khai và phái chống ly khai phải thành lập chính quyền liên minh với nhau mà phái chống ly khai sau khi kết quả bầu cử được công bố lại tuyên bố tẩy chay liên minh với phe chủ trương ly khai, kết quả bầu cử kia của đảng Sinn Fine vẫn tác động rất mạnh mẽ trên 3 phương diện tới tương lai của nước Anh.
Thứ nhất, nó tiếp tục làm suy yếu vị thế và rạn vỡ nền tảng quyền lực của ông Johnson nói chung ở nước Anh và đặc biệt ở xứ Bắc Ireland. Nó giống như giọt nước làm tràn cốc nước buộc ông Johnson và Đảng Bảo thủ phải thay đổi cả định hướng chính sách lẫn cung cách cầm quyền nếu muốn thành công với việc củng cố và duy trì quyền lực.
Thứ hai, nó khích lệ xu hướng đấu tranh và đòi hỏi Bắc Ireland tách khỏi nước Anh và tái thống nhất với Ireland. Điều này có nghĩa là vấn đề Bắc Ireland sẽ lại trở nên thời sự nổi bật ở Anh và lại tiềm ẩn xung khắc chính trị, xã hội nội bộ và thậm chí cả bất an, bất ổn trong thời gian tới.
Thứ ba, nó gây trắc trở và khó khăn thêm cho việc xử lý những vấn đề còn tồn tại giữa EU - nước Anh về việc nước Anh ra khỏi EU và khiến cả hai bên không thể không lo ngại về nguy cơ hiệu lực của hòa ước năm 1998 nói trên bị ảnh hưởng tiêu cực.