Tại phiên thảo luận, Đại biểu Lê Như Tiến (tỉnh Quảng Trị) cho biết, tiếp xúc cử tri tại các địa phương, sau mỗi kỳ họp và trước mỗi kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Đại biểu Quốc hội đều nhận được những câu hỏi tuy không mới, song luôn mang tính thời sự, luôn day dứt, bức xúc, nóng bỏng. Đó là việc phòng, chống tham nhũng.
ĐB Lê Như Tiến cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là hơn 1,603 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư, hơn 55.900 nhà ở liền kề.
Trong những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã rất gương mẫu tự nguyện trả biệt thự công, nhà công vụ... ngay sau khi thôi giữ chức vụ quản lý. Song, không ít cán bộ, lãnh đạo quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn, quên trả lại nhà công vụ. “Vô hình chung, chính sách nhà công vụ của chúng ta đã tạo sự bất bình đẳng, mất công bằng giữa các cán bộ, lãnh đạo, quản lý với nhau; giữa cán bộ, lãnh đạo quản lý ở trung ương với địa phương trong hệ thống chính trị”- ông Tiến đánh giá.
Ông Tiến còn đề nghị, “có lẽ đã đến lúc nên đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ. Chúng ta lên án và xử lý rất nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận lót tay, quà biếu trị giá vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng. Nhưng từ trước tới nay, chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỷ đồng.
Nếu Chính phủ có giải pháp quản lý sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất, thì ông Tiến cho rằng, “hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ đang sử dụng sai mục đích, có thể được thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê sẽ ngày ngày đẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, với việc kiên quyết cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng nghìn công trình quá hoành tráng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước”.
Theo ông Tiến, “đây sẽ là nguồn quan trọng để đầu tư cho phát triển, cải cách tiền lương theo lộ trình mà chúng ta đã lỗi hẹn với cử tri hơn 2 năm qua chỉ vì thiếu nguồn”.
Liên quan đến lĩnh vực ngân sách, chiều nay QH sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Nâng cao sức cạnh tranh cho nông nghiệp
Cũng trong sáng nay, vấn đề nông nghiệp cũng được nhiều ĐB đề cập. ĐB Nguyễn Thành Bình (Vĩnh Long) cho rằng Chính phủ cần đầu tư nghiên cứu lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, hạn chế nhập khẩu cây trồng, vật nuôi. Lo ngại về tình hình xuất khẩu gạo 2 năm qua sụt giảm, thị trường cá tra cũng gặp khó khăn, đại biểu này cần có sự phối hợp mạnh mẽ giữa Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT để nâng cao chất lượng lượng nông sản, xúc tiến thị trường tiêu thụ nông sản.
Giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, về tình hình nông nghiệp nông thôn 10 tháng đầu năm , sản xuất tương đối được mùa được giá, trừ cao su và cá tra. Về xuất khẩu, 10 tháng đạt 25,85 tỷ USD đối với nông, lâm, thủy sản, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, đây chỉ là kết quả bước đầu, để triển khai rõ nét hơn góp phần tăng thu nhập cho bà còn cần sự vào cuôc của các bộ , ngành và địa phương; cũng như cần bổ sung thêm nguồn lực để triển khai thực hiện.
Ngành chăn nuôi có nhiều chuyển biến nhưng Bộ trưởng Bộ NNPTNT thừa nhận sức cạnh tranh ngành chăn nuôi còn thấp, vì gần 60% đàn gia súc gia cầm nuôi ở hộ chăn nuôi nhỏ (8 triệu hộ nuôi gia cầm, hơn 4 triệu hộ nuôi lợn). Vì vậy, “để nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa, ngành đang quyết liệt triển khai các biện pháp, trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn” -Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết đến nay đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí nhưng lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, yếu kém. Giải pháp căn cơ là thực hiện chủ trương tái cơ cấu và phát triển bền vững.
Đại biểu Lê Như Tiến.
|