Thất thu vì mưa bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng một tuần qua, mưa vừa, mưa to xảy ra trên địa bàn TP đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nhiều địa phương. Đặc biệt là tại những vùng canh tác rau màu truyền thống.

Thu nhập giảm

7 giờ sáng, cánh đồng rau an toàn ở thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, Hoài Đức) đã rất đông bà con xuống đồng. Chị Nguyễn Thị Hoa than thở trong lúc nhổ từng gốc củ cải héo úa bị sâu ăn lá thủng lỗ chỗ: “Vụ này coi như “hỏng ăn” rồi chú ạ”.

Chẳng là suốt tuần qua, trời mưa khiến hơn 3 sào rau của gia đình chị bị úng ngập làm thối gốc. Không chỉ vậy, đang vào thời điểm cần phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng do trời mưa nên không thể tiến hành được. Toàn bộ diện tích trồng củ cải, rau dền… của gia đình chị Hoa hiện bị bọ nhảy, sâu ăn lá gây hoại nên rất “xấu mã”. Thêm nữa, củ cải chỉ nhỏ bằng hai đốt ngón tay, trong khi thuận thời tiết có thể to bằng chuôi liềm. “Bình thường mỗi cân rau bán được chừng 3.500 – 4.000 đồng, nhưng chất lượng rau thế này, may lắm thì bán được 1.500 – 2.000 đồng/kg” – chị Hoa thở dài.
Nông dân thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, Hoài Đức thu hoạch rau sau mưa bão.
Nông dân thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, Hoài Đức thu hoạch rau sau mưa bão.
Trong ngày hôm qua, Hà Nội đã đón những ánh nắng ấm ấp đầu tiên sau chuỗi ngày mưa, vợ chồng anh Võ Văn Dương cùng nhiều hộ trồng rau khác ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh) cũng khẩn trương xuống đồng thu hoạch số rau màu, làm đất để chuẩn bị cho vụ mới. Anh Dương cho hay, do ảnh hưởng của mưa những ngày qua nên diện tích rau củ cải, các loại cải khác của gia đình bị ảnh hưởng khá nhiều. Với hơn 3 sào trồng rau, một vụ gia đình anh thường thu nhập khoảng 8 – 10 triệu đồng thì riêng vụ rau này, thu nhập giảm ít nhất 40%.

Không chỉ ở Hoài Đức, Mê Linh, nhiều “vựa rau” của TP khác như Vân Nội (Đông Anh), Thư Phú (Thường Tín)… cũng chịu tác động của tình trạng mưa kéo dài khiến năng suất và chất lượng rau màu ảnh hưởng. Kéo theo đó, thu nhập của bà con nông dân các địa phương này cũng bị giảm sút đáng kể.

Thiếu chính sách hỗ trợ

Sau những cơn mưa dai dẳng, dự báo từ ngày mai, Hà Nội bắt đầu có nắng. Tình hình thời tiết đang diễn biến ngày một phức tạp, khôn lường. Trong khi đó, người nông dân thì chỉ biết vừa tập trung sản xuất nông nghiệp, vừa trông ngóng vào sự may rủi của thời tiết. Ông Phùng Minh Chiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, đợt mưa vừa qua dù không quá lớn nhưng vẫn gây ảnh hưởng ít nhiều tới những khu vực trũng ven sông Hồng và khu nội đồng trung tâm huyện. Diện tích hoa không bị ảnh hưởng nhưng vùng trồng rau, nhất là ở khu vực các xã Tráng Việt, Đại Thịnh bị giảm năng suất, chất lượng. Dù vậy, khi được hỏi về chính sách hỗ trợ bà con trồng rau bị thiệt hại, ông Chiến cho biết: Chưa có hỗ trợ cụ thể nào!

Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Tiền Lệ (Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho hay, HTX có vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất cho các hộ xã viên nông dân. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ nông sản hiện vẫn do người dân… tự thân vận động. Điều này cũng đồng nghĩa với khi không may xảy ra thiên tai, dịch bệnh, bà con phải hoàn toàn gánh chịu chứ không có bất cứ hỗ trợ nào.

Trước diễn biến khó lường và ảnh hưởng của thiên tai, người trồng rau các địa phương đã phải chăng mái che bảo vệ những diện tích cây trồng mới gieo. Bà con cũng tranh thủ ra đồng thu hoạch sớm các loại rau củ quả, lúa mùa. Một số địa phương đã chỉ đạo người dân buộc lúa (bị nghiêng do mưa bão) để hạn chế thiệt hại. Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức tiêu cạn nước đệm, khơi thông lòng dẫn, nghiêm cấm việc xả, phụt rơm rạ xuống lòng kênh, mương gây ách tắc dòng chảy. Cùng với những nỗ lực “tự cứu” của bà con nông dân, thiết nghĩ, đã đến lúc các sở ban, ngành chức năng TP, huyện cần quan tâm, nghiên cứu chính sách hỗ trợ thiệt hại nông sản nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.
Theo thông tin từ Phòng kinh tế một số huyện, diễn biến mưa trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tại Phúc Thọ, có 20ha lúa bị hư hỏng hoàn toàn, 50ha lúa bị ngập (vẫn thu hoạch được), 100ha cây vụ Đông mới trồng bị ảnh hưởng. Tại thị xã Sơn Tây, 90ha lúa bị ngập trắng, 28ha rau màu bị ảnh hưởng, 500 gia cầm bị chết… Đại diện một số địa phương khác như Đông Anh, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất cho biết, thiệt hại do mưa không quá nặng nề. Hầu hết các diện tích bị ngập hiện nước đã rút. Bà con đang bắt tay vào sản xuất.
Theo báo cáo sơ bộ của huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về ngày 17 - 18/9 vừa qua gây ngập, úng cục bộ một số xã, thị trấn vùng hữu Bùi (thị trấn Xuân Mai, các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến…) gây thiệt hại về kinh tế, nhưng đến thời điểm hiện tại, mực nước tại sông Bùi đã cơ bản rút xuống. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung khắc phục hậu quả, kiểm đếm thiệt hại, công tác phòng dịch bệnh sau mưa lũ cũng được tiến hành. Tuy chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại, nhưng bước đầu có gần 200ha lúa, hơn 20ha thủy sản bị ảnh hưởng, hàng ngàn gia súc bị chết, cuốn trôi, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng… (Khắc Kiên)
Theo thống kê của Phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT, toàn TP đã thu hoạch được 20% diện tích lúa mùa. Trong đó có nhiều huyện thu hoạch sớm với diện tích lớn như Ba Vì, Mỹ Đức, Thường Tín… Sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân tranh thủ thời tiết nắng, tạnh để thu gọn nhanh lúa mùa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; thu hoạch lúa Mùa tới đâu triển khai gieo trồng cây vụ Đông tới đó. (Ánh Ngọc)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần