Thâu tóm Cienco là ai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu của một số Cienco giao thông từng bị ế rất sâu tại các đợt IPO đang được chính các nhà đầu tư chiến lược trong nội bộ săn đón.

Cienco thoái vốn vào tay ai?

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2015, có ít nhất 2 nhà đầu tư trong nước đăng ký mua phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) - với số lượng cổ phần đủ để chi phối tổng công ty này. Một trong hai nhà đầu tư này là Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch (Phú Yên) đã nộp đơn xin mua 51% vốn điều lệ Cienco 6 ngay sau khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phát đi thông điệp sẽ không giữ vai trò chi phối tại các Cienco vừa được cổ phần hóa.

Nhiều Cienco đã thuộc về các nhà đầu tư tư nhân sau quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

 
IPO Cienco 8: Lượng đăng ký mua chỉ bằng 0,37% lượng chào bán .
IPO Cienco 8: Lượng cổ phần đăng ký mua chỉ bằng 0,37% lượng chào bán .
Cienco 6 là tổng công ty bị “ế” nặng nhất trong số các tổng công ty xây lắp ngành GTVT khi tiến hành IPO vào năm 2014. Trước khi tiến hành IPO, dù Cienco 6 đã phải điều chỉnh quy mô vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng xuống còn 492 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bán được 3.153.750 cổ phần, tương đương 6,41% vốn điều lệ. Hiện chưa rõ phương án thoái vốn sẽ được xây dựng theo hướng nào, những do có tới 2 nhà đầu tư, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ phải thực hiện qua hình thức đấu giá.

Khác với Cienco 6, quá trình thoái tiếp vốn Nhà nước tại Cienco 5 - một trong hai tổng công ty xây dựng mà Nhà nước còn nắm trên 60% vốn điều lệ - có vẻ thuận lợi hơn. Cụ thể, Cienco 5 xin Bộ GTVT thoái 28,18% vốn điều lệ là phần vốn nhà nước hiện có tại Tổng công ty. Tổng số vốn cần thoái trong đợt này là 123,71 tỷ đồng, tương ứng 12,371 triệu cổ phần.

Với phương án này, phần vốn nhà nước tại Cienco 5 - CTCP sẽ rơi từ 63,18% xuống còn 35% - trùng với phương án cổ phần hóa ban đầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2014. Đối tượng mà Cienco 5 đề xuất bán cổ phiếu đợt 2 theo hình thức bán trọn lô, thỏa thuận trực tiếp là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương.

Điều đáng nói là, nếu phương án này được Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan chấp thuận, Việt Phương sẽ nắm trong tay 19,1755 triệu cổ phần, tương đương với 43,68% vốn điều lệ của Cienco 5. Mặc dù vẫn còn phải tiến hành ít nhất một nhịp nữa (mua thêm khoảng 7,5% vốn điều lệ), nhưng Việt Phương đang có cơ hội lớn để thâu tóm Cienco 5 - doanh nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 6/2014 và được xếp vào diện Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể thoái 100% vốn.

E ngại nguy cơ bán hớ

Cần phải nói thêm rằng, Việt Phương đang đi theo lộ trình thâu tóm khá giống với hầu hết các Cienco giao thông: chấp nhận làm cổ đông với tỷ lệ thấp, sau đó mua thêm cổ phần nhà nước để có thể giữ quyền chi phối.

Hiện quyền chi phối nhiều Cienco, chỉ chưa đầy một năm sau khi tiến hành IPO, đang dần thuộc về những ông chủ dân doanh. Cụ thể, quyền chi phối tại Cienco 4 đã thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (TP.HCM); quyền chi phối Tổng công ty Thăng Long thuộc Công ty cổ phần Tasco; Tổng công ty Vận tải thủy thuộc về Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường.

“Ngoài tiềm năng kinh doanh, việc được nắm quyền chi phối các tổng công ty này là động lực thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá.

Việc các Cienco đã được xác định là Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể thoái hết vốn giải thích vì sao các doanh nghiệp này tạo được sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, dù từng bị dự đoán là khó cổ phần hóa.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do các đối tác chiến lược có cùng ngành nghề hoạt động, nên việc thay đổi cơ cấu cổ đông sẽ không làm thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh của 3 đơn vị, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông nhỏ và người lao động.

Cùng chung quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian qua, giá bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung không cao, tỷ lệ bán ra thấp, nên các nhà đầu tư không quan tâm do không được nắm quyền kiểm soát. Nếu có chủ trương bán khối lượng lớn cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước, thì sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn và giá cổ phiếu sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan ngại rằng, việc lấy giá bán cổ phần lần đầu làm cơ sở cho các trường hợp bán tiếp vốn với khối lượng lớn, đặc biệt là những trường hợp làm thay đổi tỷ lệ chi phối của Nhà nước có thể là sơ hở gây thất thoát vốn thu về cho ngân sách.

“Cần đảm bảo việc thoái vốn được thực hiện thông qua đấu thầu rộng rãi theo quy trình chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề xuất tại Văn bản số 1874/BKĐT - PTDN tham gia ý kiến về báo cáo đổi mới doanh nghiệp năm 2014 của Bộ GTVT và các kiến nghị kèm theo./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần