Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cách tính GDP: Thông điệp mới?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương pháp tính GDP hiện nay đang quá lạc hậu so với những thay đổi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế tại mỗi quốc gia. Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết đã hoàn tất và chuẩn bị công bố cách tính GDP mới.

 Nhiều DN bổ sung thông tin sau khi Tổng cục Thống kê điều tra lại quy mô GDP. Ảnh: Hải Linh
Thêm số lượng doanh nghiệp được tính vào GDP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất, tạo ra trong phạm vi một nền kinh tế trong một thời gian nhất định (thường là một năm tài chính). Cuộc cách mạng số hóa cũng thay đổi toàn diện các mô hình kinh doanh truyền thống. Ranh giới giữa người sản xuất và người tiêu dùng đang dần bị xóa mờ, ngày càng nhiều sản phẩm kỹ thuật số được cung cấp gần như miễn phí. Và GDP, về mặt khái niệm, lẽ ra phải ghi nhận tất cả những giao dịch và giá trị gia tăng đó. Hiện, cách tính GDP của Việt Nam đã lạc hậu, tính không đủ, còn bỏ sót (chưa tính hết tiêu dùng cá nhân về hàng hóa và dịch vụ), nên GDP thực tế có thể cao hơn.
Việc đánh giá lại GDP phải cung cấp một bức tranh tổng thể sát thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ, các nhà đầu tư và người dùng. 

Phó Trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Robert Dippelsman

TCTK cho hay, phải đánh giá lại quy mô GDP bởi nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước. Tổng cục cho biết đã bổ sung thông tin của 76.000 DN trước đây chưa được tính vào quy mô GDP. Thông tin từ khối kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Công an cũng sẽ được đưa vào quy mô nền kinh tế, khác với những lần tính toán trước đây. TCTK cho biết sẽ rà soát lại tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Đây cũng không phải lần đầu tiên TCTK tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Cụ thể, năm 2013 đơn vị này đã thực hiện đánh giá lại GDP giai đoạn 2008 – 2012, tuy nhiên thời điểm này chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản... Trong những lần thực hiện thống kê lại GDP giai đoạn trước có hai ngành và lĩnh vực không được thực hiện là khối kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vì không có thông tin. Trên thực tế là hai ngành này làm kinh tế khá nhiều, khối kinh tế hoạt động khá mạnh. Hoặc về mặt cơ cấu GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thủy sản.

GDP bình quân đầu người sẽ “nhảy lên” 3.000 USD/năm

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đánh giá lại GDP được cơ quan quản lý tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Với cách tính hiện nay, GDP bình quân đầu người Việt Nam chưa tới 2.600 USD/năm. Con số này sẽ thay đổi trong thời gian tới, đạt khoảng 3.000 USD theo cách tính mới.
GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau. Điều cần là làm sao tăng chất lượng GDP để nền kinh tế mạnh lên, chất lượng cuộc sống của người dân tăng cùng với sự gia tăng quy mô nền kinh tế. Kinh nghiệm của Đan Mạch, Thụy Điển, Đức… cho thấy điều đó. 

TS Lê Đăng Doanh

Tuy nhiên, thay đổi cách tính cũng khiến các chuyên gia lo ngại về nguy cơ tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP giảm; tỷ lệ nợ/GDP giảm; tỷ lệ chi trả sở hữu/GDP giảm nhưng đời sống người dân không đổi và tỉ lệ nợ trên đầu người có thể tăng lên.

“Quy mô GDP tăng lên, lúc đó tỷ lệ nợ công và bội chi so với GDP sẽ còn rất nhỏ. Vấn đề đặt ra là khi điều chỉnh quy mô GDP thì các chỉ tiêu và các ngưỡng an toàn của chỉ tiêu có được điều chỉnh theo hay không. Nếu không sẽ rất đáng lo ngại" - PGS.TS. Phạm Thế Anh - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nói.

Tại phần đánh giá tác động, theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm, việc tăng quy mô GDP sẽ không có sự đóng góp của kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp, nguyên nhân làm tăng quy mô GDP chủ yếu do bổ sung thông tin từ các nguồn và cập nhật lại. Việc này không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch, do sự thay đổi về tăng trưởng qua các năm rất nhỏ. Tuy nhiên, trước những bình luận về việc gia tăng quy mô GDP để tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách giảm đi, ông Lâm khẳng định đây không phải là mục tiêu của việc tính toán lại này. Ông khẳng định cơ quan thống kê chỉ cung cấp bức tranh thực của nền kinh tế, câu chuyện nợ công là của Chính phủ, bộ, ngành.