Thay đổi chính sách để thu hút người tài

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du học sinh đi học bằng ngân sách Nhà nước không trở về cùng tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo chỉ đạt khoảng 40% đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ về vấn đề thu hồi ngân sách, thu hút người tài ở nước ta hiện nay. Công tác tuyển sinh..

Du học sinh đi học bằng ngân sách Nhà nước không trở về cùng tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo chỉ đạt khoảng 40% đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ về vấn đề thu hồi ngân sách, thu hút người tài ở nước ta hiện nay. Công tác tuyển sinh, cử đi học và quản lý du học sinh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ. Theo đó, du học sinh sau khi tốt nghiệp được trả về cơ quan công tác (đối với trường hợp có cơ quan công tác) và có trách nhiệm đóng góp cho đơn vị cử đi theo quy định.

 Đối với trường hợp không có cơ quan công tác, một số sẽ xin tiếp tục ở lại nước ngoài học lên trình độ cao hơn, một số về nước sẽ được Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ GD&ĐT giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu về các cơ quan, địa phương, trường đại học đã cử du học sinh đi học có nhu cầu tuyển dụng.

Trường hợp du học sinh không hoàn thành khóa học, không thực hiện quy định của người được hưởng học bổng ngân sách Nhà nước phải thực hiện xét bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định hiện hành. Cụ thể: Đối với du học sinh có cơ quan công tác thuộc diện bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí. Đối với du học sinh không có cơ quan công tác sẽ do cơ quan Nhà nước cấp học bổng cho du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí.

Trả lời cử tri về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, du học sinh được học bổng ngân sách Nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý về cơ bản là học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác. Du học sinh ở lại nước ngoài chủ yếu là du học sinh học bổng khác và du học sinh tự túc. Trong danh sách du học sinh phải bồi hoàn hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo đạt khoảng 40% do không có khả năng hoàn trả hoặc xin trả dần.

Mục tiêu cao nhất của chính sách là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc một số du học sinh đi du học bằng ngân sách nhưng không về nước đặt ra hai vấn đề: Thu hồi chi phí đào tạo bằng cách nào và làm sao để du học sinh về nước làm việc, tránh hiện tượng chảy máu chất xám.

Để đẩy mạnh công tác thu hồi kinh phí đào tạo, Bộ GD&ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh, phối hợp các cơ quan có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi du học sinh cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 - Bộ Công an để yêu cầu du học sinh bồi hoàn.

Chính phủ đã xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP; bổ sung quy định cho phép du học sinh hoàn trả chi phí theo nhiều đợt phù hợp hoàn cảnh của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo. Việc bổ sung các chế tài xử phạt cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.

Quan trọng hơn, Nhà nước cần có giải pháp thu hút du học sinh về nước công tác bằng cách triển khai các cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương về trọng dụng, đãi ngộ đối với trí thức trẻ nói chung và đội ngũ du học sinh nói riêng như trả lương, phụ cấp, nhà ở; xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ...; cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và thuận lợi để chẳng những du học sinh đi học bằng tiền ngân sách mà cả những du học sinh đi học bằng nguồn khác cũng hào hứng trở về để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.