Thay đổi diện mạo từ quy hoạch nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là một xã thuần nông của huyện Thanh Oai, xã Thanh Văn lấy nông nghiệp làm tiền đề phát triển kinh tế. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, nên diện mạo nông thôn Thanh Văn đang thay đổi từng ngày.

Mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Hoàng Văn Công, thôn Bạch Nao đã chứng minh sự thành công của công tác quy hoạch nông nghiệp. Năm 2003, với 0,1ha ruộng dồn đổi của gia đình, anh Công xây dựng mô hình lợn - lúa - cá cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Với khát vọng làm giàu, năm 2006, anh đã mạnh dạn nhận 0,5ha từ quỹ đất 2 của xã, mở rộng mô hình nuôi thêm các loài họ nhà chim. Có trong tay số vốn tích cóp, vay mượn từ bạn bè, anh em, anh đầu tư 3 tỷ đồng để mua chim giống và xây dựng chuồng trại, vừa chăn nuôi vừa học hỏi kỹ thuật, đến nay đàn chim của anh phát triển với số lượng lớn từ 2.000 - 3.000 con, mùa sinh sản từ 5.000 - 6.000 con, đa dạng các loài như: Vịt trời, le le, chim gáy, chim công, sâm cầm… Vừa bán chim giống, vừa cung cấp chim thịt cho các nhà hàng đặc sản ở nội thành Hà Nội, cộng với thu nhập từ lúa và cá, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 700 - 800 triệu đồng/năm.

Xã Thanh Văn có tổng diện tích đất canh tác trên 600ha, với hơn 80% lao động sống chủ yếu bằng trồng trọt, cấy hái nên công tác quy hoạch nông nghiệp được xã đặt lên hàng đầu. Sau hơn 10 năm thực hiện dồn điền đổi thửa, đến nay xã cơ bản hoàn thành với 3/4 thôn dồn đổi, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 ô thửa. Thanh Văn đã quy hoạch 450ha trồng lúa, trong đó xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 200ha; chuyển đổi 100ha sang mô hình trang trại (toàn xã hiện có hơn 50 trang trại); 30ha sang trồng cây ăn quả đặc sản bưởi Diễn, chuối tiêu hồng; 20ha sang sản xuất rau an toàn… Những mô hình hiệu quả kinh tế cao đang tiếp tục được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Vốn là vùng đất nổi tiếng từ xưa với loại gạo Bồ Nâu tiến vua, cuối năm 2012, xã xây dựng thành công thương hiệu "Gạo Bồ Nâu".

Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn cho biết: Thời gian tới, xã sẽ vận động bà con chuyển đổi nốt diện tích còn lại sang thâm canh giống lúa Bắc Thơm, nhân rộng mô hình lúa hàng hóa. Bên cạnh đó, công tác xây dựng các công trình phúc lợi, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình điện, đường giao thông được xã kiện toàn, đáp ứng yêu cầu học hành, khám chữa bệnh, sinh hoạt phục vụ đời sống nhân dân. Hiện, xã Thanh Văn đã xây dựng được trên 600 căn nhà kiên cố; cả 4 thôn đều có nhà văn hóa khang trang; bê tông hóa 100% đường làng, ngõ xóm và 21km đường nội đồng; xây dựng 3km đường hạ thế ba pha ra đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của các trang trại.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, xã Thanh Văn phấn đấu đến hết năm 2015, hoàn thành cơ bản các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.