Thay đổi hội nghị cấp cao G7: Vừa tranh thủ, vừa bất chấp

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tổ chức hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 bị thay đổi gần như xoành xoạch.

Từ hình thức trực tuyến chuyển thành trực tiếp, thời điểm từ tháng 6 chuyển đến tháng 9, thành phần từ mời thêm chỉ có Nga chuyển thành mời thêm cả Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc. Trong tình trạng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại, việc ông Trump không có ý định mời Trung Quốc tham dự sự kiện hoàn toàn không có gì lạ. Cả việc ông Trump kiên định chủ ý mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị cấp cao thường niên của nhóm cũng vậy bởi ông Trump đã nhiều lần công khai ủng hộ việc Nga trở lại khuôn khổ diễn đàn này.
Những thay đổi liên tiếp kia có 3 lý do của chúng. Thứ nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới và tất cả các thành viên của khuôn khổ diễn đàn này cho đến thời điểm hiện tại đều chưa kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh.
Việc sang Mỹ để tham dự sự kiện vì thế ẩn chứa rất nhiều rủi ro về chính trị đối nội cũng như dịch tễ, an toàn sức khỏe đối với các đoàn thành viên. Thủ tướng Đức Angela Merkel lại còn tuyên bố không sang Mỹ dự hội nghị trong tháng 6 này. Muốn sự kiện thành công, ông Trump cần có sự tham dự của tất cả các thành viên ở cấp cao nhất. Vì thế, lùi thời điểm tổ chức sự kiện là nhượng bộ của ông Trump để tỏ ra linh hoạt và cầu thị nhằm tranh thủ các thành viên.
Thứ hai là ông Trump vẫn có ý bất chấp và khiêu khích các thành viên của nhóm G7 với việc mời ông Putin tham dự. Không phải người này không trù tính đến khả năng có thành viên nào đấy sẽ tẩy chay sự kiện nếu ông Putin được mời tới dự.
Mưu tính của ông Trump ở đây là dùng dụng ý này để gây áp lực đối với các thành viên khác để họ phải đáp ứng yêu cầu khác của Mỹ thì mới nhượng bộ. Cả việc ông Trump công khai cho rằng khuôn khổ diễn đàn G7 đã lỗi thời nên cần phải được cải tổ cũng là đòn đau đối với các thành viên khác.
Thứ ba là ông Trump có nhu cầu thiết thực về tổ chức sự kiện thành công trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.
Cho nên, tháng 9 này mà không tổ chức trực tiếp được thì ông Trump sẽ sử dụng hình thức trực tuyến và khi ấy càng dễ mời ông Putin tham dự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần