Thay đổi môi trường từ những hành động nhỏ nhất

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kêu gọi ngừng thả bóng bay lên trời, hạn chế dùng túi nilon, bỏ thói quen dùng ống hút nhựa… là những nỗ lực từng ngày của nhiều người, nhiều doanh nghiệp để kêu gọi cộng đồng cùng hành động nhằm hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Thông điệp nhỏ, ý nghĩa lớn
Mới đây, mạng xã hội đang lan truyền nhanh chóng với thái độ ủng hộ bức thư của một bé gái học sinh lớp 5, trường Marie Curie (Hà Nội) gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.
Bé Nguyệt Linh cùng bức thư mang thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Ảnh: Thanh Niên. 
Trong bức thư cô bé Nguyễn Nguyệt Linh viết: “Con được biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển”.
Trước thực tế ấy, cô bé lớp 5 đề xuất: “Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”
Lá thư với nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng đã gửi gắm thông điệp của cô bé Hà Nội về vấn đề hạn chế rác thải nhựa xả ra môi trường.
Có thể thấy, vào ngày Lễ khai giảng, hàng ngàn trường học thả bóng bay lên bầu trời, tượng trưng cho ước mơ của các em học sinh. Việc thả bóng bay với số lượng lớn như vậy trong cùng một ngày, có thể tác động chưa nhìn thấy ngay nhưng về lâu dài, những tác hại do những quả bóng này mang lại cho động vật, môi trường sống là rất lớn.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, đây là ý tưởng trong sáng và có ý nghĩa trước thềm năm học mới. Thầy Khang cho biết: Chắc chắn sau bức thư của trò Nguyệt Linh, sẽ không còn bóng bay trong ngày này của trường năm nay và cả những năm tiếp theo nữa.
Thầy Khang cũng đã gửi thư tới học học trò của mình và mong ý tưởng này sẽ được nhiều người ủng hộ. "Thầy sẽ đặt tên cho Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con" - người thầy giáo viết trong thư hồi đáp.
Cộng đồng doanh nghiệp chung tay hành động
Còn nhớ đầu tháng 4 vừa qua, một loạt siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chuyển sang sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon. Cùng đó, các siêu thị cũng đua nhau sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.
Siêu thị tại TP Hồ Chí Minh dùng lá chuối gói rau củ. Ảnh: Nghệ Nguyễn.
Hành động này không những nhận được sử dụng hộ tích cực của người tiêu dùng mà còn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương. Thủ tướng đồng thời kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.
Để tiếp nối, lan tỏa thông điệp ý nghĩa đó, gần đây nhất, Nhà sách Fahasa đã chính thức đưa ra thông báo về việc sử dụng túi khi mua hàng tại hệ thống của nhà sách. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/8/2019, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 3 cách để gói hàng, bao gồm: Thứ nhất, sử dụng băng giấy để quấn quanh hàng hóa; hóa đơn mua hàng cũng sẽ được đính trực tiếp vào băng quấn; Thứ hai, nhà sách sẽ sử dụng loại túi giấy tận dụng từ các loại giấy báo, tạp chí cũ để gói những loại hàng hóa nhỏ, khó dùng băng giấy; Thứ ba, nếu số lượng hàng nhiều, có kích thước lớn, khách hàng có thể sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường (đã được chứng nhận bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
Chiến dịch hành động này của nhà sách cũng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội Facebook với 14.000 lượt thích (like) và hơn 2,6 nghìn lượt chia sẻ (share). Những bình luận trên panpage của nhà sách đều thể hiện sự đồng hành của khách hàng trong chiến dịch bảo vệ môi trường mà Fahasa đã đưa ra.
Cần bỏ "mốt" dùng ống hút nhựa
Một vấn đề cũng đang được thế giới đặc biệt quan tâm đó là việc sử dụng ống hút nhựa. Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quang (Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Mấy thập niên gần đây, ống hút nhựa được sử dụng tràn lan bởi chi phí sản xuất thấp và tính tiện dụng của nó. Lâu dần, sử dụng ống hút nhựa đã trở thành “mốt” của người tiêu dùng. Tính ra một ngày có hàng triệu ống hút nhựa thải ra môi trường; song đến bao giờ thì một chiếc ống hút nhựa mới bị phân hủy hết thì chẳng mấy ai tính đến.
“Nếu cứ duy trì thói quen sử dụng đồ nhựa như vậy, chẳng mấy chốc thế hệ sau sẽ sống trong rác thải nhựa do chính chúng ta thải ra; mà liệu còn môi trường để sống?
Thiết nghĩ đây là một vấn đề thế giới đang cực kỳ quan tâm và kêu gọi mọi người cần thay đổi nhận thức về việc sử dụng đồ nhựa. Tôi nghĩ rằng, nước ta cần phải tích cực hơn nữa, thậm chí đi đầu về phong trào loại bỏ hẳn các loại ống hút nhựa dùng một lần, thay vào đó có thể sử dụng ống hút được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường hơn. Điều đó không chỉ giúp cải thiện môi trường đáng kể mà cũng sẽ giúp chúng ta cảm nhận được đúng hương vị của đồ uống” - ông Nguyễn Đức Quang chia sẻ.
Ống hút thân thiện với môi trường. Ảnh: Internet. 
Có thể thấy, điều này cũng đang được các nhãn hàng đồ uống lớn trên thế giới, hay những doanh nghiệp kinh doanh cà phê mới thành lập quan tâm để thay đổi thói quen của khách hàng. Cách đây một năm (tháng 7/2018), Starbucks - chuỗi hệ thống cà phê lớn toàn cầu đã tuyên bố đến năm 2020 sẽ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng ống hút nhựa, thay vào đó là sử dụng ống hút cỏ bàng hoặc các giải pháp khác thân thiện hơn với môi trường.
Tuyên bố này cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của khách hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp cà phê. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều chủ cửa hàng đồ uống đã thay đổi nhận thức và bắt đầu bắt tay vào các chiến dịch loại bỏ ống hút nhựa.
Để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, không chỉ cần những khẩu hiệu, hay những chiến dịch hành động của các tổ chức, cá nhân đơn lẻ mà còn cần sự chung tay, thay đổi nhận thức của từng người dân trong xã hội. Mỗi khi vứt bỏ rác thải nhựa ra môi trường, bạn hãy nghĩ đến việc nó sẽ hủy hoại môi trường sống đến thế nào. Vì vậy, hãy thay đổi vì một thế giới xanh hơn từ những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.