Tọa đàm Kỷ niệm 10 năm Quan hệ đối tác Chiến lược Việt Nam - CHLB Đức, diễn ra dưới hình thức trực tuyến, ngày 15/10/2021. |
Phát biểu tại Tọa đàm Kỷ niệm 10 năm Quan hệ đối tác Chiến lược Việt Nam - CHLB Đức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhắc lại dấu mốc ngày 11/10/2011, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel ký Tuyên bố chung Hà Nội, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - CHLB Đức. Theo Thứ trưởng Tô Anh Dũng, sau một thập niên triển khai ký kết, quan hệ hai quốc gia đã đạt được những bước tiến vượt bậc, trên cả bình diện song phương và đa phương.Bên cạnh các chuyến thăm trao đổi của lãnh đạo cấp cao hai nước, Kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2022 - 2023 gồm những định hướng lớn cho quan hệ hai nước đã được các bộ ngành của hai bên phối hợp chặt chẽ để xây dựng và cập nhật thường xuyên. Các cơ chế đối thoại trong đa dạng các lĩnh vực, bao gồm cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ và an ninh - quốc phòng, được duy trì và nâng cấp, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Các đại diện ngoại giao cấp cao của Đức - bao gồm Phó Tổng vụ trưởng Vụ Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương Martin Thümmel và Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner - đồng loạt nhấn mạnh tại Tọa đàm về việc hai nước đã và đang chia sẻ những lợi ích chung trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên các luật lệ. Hai bên cùng đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, bất chấp những biến động của khu vực và toàn cầu trong suốt 10 năm qua.Trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam trở thành cầu nối giúp Đức tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Đức tích cực ủng hộ Việt Nam mở rộng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), mà gần đây nhất là việc ký kết thành công Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA).Đức hiện là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong EU, và ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, đạt 10 tỷ USD. Dòng dịch chuyển vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai bên cũng ngày một tăng cao.Khẳng định kinh tế là trụ cột và là một trong những thành tựu nổi bật nhất của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thập kỷ qua, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đánh giá các kết quả đạt được đến nay vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển.Thương mại song phương đã tăng nhưng hiện vẫn chỉ chiếm khoảng 0,3 - 0,4% tổng thương mại của Đức, cũng ít hơn khi so sánh với thương mại của Việt Nam với các đối tác chiến lược khác. Đại sứ hy vọng, sự phê chuẩn đối với EVFTA, cũng như những chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh cởi mở hơn của hai Chính phủ, sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư vẫn còn khiêm tốn của Đức vào Việt Nam trong tương lai.Liên quan đến vấn đề này, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam - đặc biệt lưu ý về sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Đức, giữa làn sóng dịch chuyển sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Đại sứ Guido Hildner cũng tin rằng, quan hệ hai nước vẫn còn nhiều dự địa để phát triển, đòi hỏi hai bên cần tiếp tục gia tăng đối thoại chiến lược, tăng tần suất trao đổi đoàn nhằm tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ Việt - Đức. Về hợp tác đa phương, không chỉ duy trì vai trò cầu nối giữa hai khu vực EU và ASEAN, Đức và Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ tại Liên Hợp quốc nhằm thúc đẩy các ưu tiên về chống biến đổi khí hậu và xây dựng trật tự dựa trên luật lệ.Nhìn chung, các tham luận của gần một chục diễn giả tại buổi tọa đàm đã cho góp phần phác họa bức tranh thập kỷ đầu tiên đầy nỗ lực của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - CHLB Đức, đồng thời nhận điện các cơ hội và thách thức trong thời gian tới, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách về hợp tác song phương, tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược.