70 năm giải phóng Thủ đô

Thế giới cần hợp lực giải quyết ba vấn đề lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bài học rút ra từ khủng hoảng là quản lý kinh tế toàn cầu không thể bỏ qua những đối tượng dễ bị tổn thương nhất hoặc thiệt thòi nhất trong xã hội.

KTĐT - Bài học rút ra từ khủng hoảng là quản lý kinh tế toàn cầu không thể bỏ qua những đối tượng dễ bị tổn thương nhất hoặc thiệt thòi nhất trong xã hội, vì đẩy hết gánh nặng cho những người hầu như không chịu trách nhiệm về các cuộc khủng hoảng tài chính là điều không thể chấp nhận được.

Ngày 17/10, phát biểu tại Hội nghị chính sách thế giới diễn ra tại thành phố Marrakesh của Morocco, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tập trung nguồn lực, phối hợp hành động giải quyết ba vấn đề lớn của thế giới hiện nay, gồm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, chống biến đổi khí hậu và tăng cường quản trị toàn cầu.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này nêu rõ tuy được coi là đầu tàu vượt "bão" tài chính của thế giới, song các nước đang phát triển chưa có được tiếng nói xứng đáng trong việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.

Bài học rút ra từ khủng hoảng là quản lý kinh tế toàn cầu không thể bỏ qua những đối tượng dễ bị tổn thương nhất hoặc thiệt thòi nhất trong xã hội, vì đẩy hết gánh nặng cho những người hầu như không chịu trách nhiệm về các cuộc khủng hoảng tài chính là điều không thể chấp nhận được.

Hai là cộng đồng thế giới cần tập trung nỗ lực vượt qua những thách thức từ biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo thế giới đã thoả thuận trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất trong giới hạn 2 độ C và mỗi năm giải ngân 100 tỷ USD (đến năm 2020), hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ dân số thế giới sẽ tăng 50% vào năm 2050, lên hơn 9 tỷ người. Vì vậy, các nước phải giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào thời điểm này và biến đổi khí hậu phải trở thành phần thiết yếu trong chương trình phát triển bền vững.

Ba là nhu cầu quản trị toàn cầu cần được tăng cường để đối phó với những thách thức của thế kỷ mới, trong đó có công nghệ sinh học, tội phạm có tổ chức, chủ nghĩa khủng bố và những vấn đề liên quan tới dòng người nhập cư lên tới 200 triệu người hiện nay.

Nguy cơ các tổ chức khủng bố sở hữu nguyên liệu hạt nhân đang đặt thế giới trước nhiệm vụ khẩn cấp mới trong chương trình an ninh hạt nhân toàn cầu.

Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, phản ứng quốc tế hiệu quả nhất là toàn thế giới quyết tâm và cùng hợp tác để đối phó với thách thức này. Quản trị toàn cầu là vấn đề quá lớn và quá quan trọng nên không thể giao cho một nhóm nước hoặc một tổ chức.

Nhưng ông cho rằng Liên hợp quốc, với tính phổ quát, kinh nghiệm và hiện diện hoạt động ở hầu như tất cả các nước, có thể là địa chỉ tốt nhất để điều phối quản trị toàn cầu./.