Hiện nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước, đặc biệt trong bối cảnh một số nước đã ghi nhận ca nhiễm siêu biến thể mới phát hiện lần đầu ở Nam Phi với tên gọi Omicron.
Các nước cấp tốc ngăn chặn biến thể Omicron
Trong cuộc họp khẩn hôm 26/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố B.1.1.529 là biến chủng "đáng lo ngại" và đặt tên nó là Omicron. Biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Botswana, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần.
Do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron - được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây, nhiều nước châu Âu và châu Á đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Israel trở thành nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh mọi công dân nước ngoài để chặn đà lây lan của biến thể Omicron từ ngày 28/11. Cùng ngày, Anh, Australia, Hàn Quốc, Indonesia… thông báo cấm nhập cảnh đối với những người đến từ (hoặc đã đến) các nước Nam châu Phi, còn công dân nước mình trở về từ các nước trong "danh sách đỏ" đều phải cách ly trong cơ sở của chính phủ từ 7-10 ngày. Toàn bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với một số nước châu Phi. Theo CAN, chính phủ Nhật Bản ngày 29/11 cho biết sẽ ngừng nhập cảnh đối với hầu hết doanh nhân và sinh viên nước ngoài, một biện pháp cương quyết nhằm ngăn chặn nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến chủng Omicron vào nước này.
Trong khi đó, chính phủ Anh thông báo, một cuộc họp khẩn của các bộ trưởng y tế nhóm nước G7 sẽ được tổ chức trong ngày 29/11 nhằm bàn cách đối phó với biến thể Omicron.
Biến thể Omicron, phát hiện lần đầu tại Nam Phi hôm 11/11, đã xuất hiện tại Australia, Vương quốc Anh, Đức, Israel, Italia, Cộng hòa Séc và Hồng Kông (Trung Quốc). Hà Lan ngày 28/11 đã báo cáo 13 trường hợp mắc Omicron, trong khi đó Australia cũng ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể này.
WHO chưa rõ độ nghiêm trọng của “siêu biến thể” Omicron
Theo phân tích của các nhà khoa học Nam Phi, biến thế Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.
Điều khiến giới khoa học lo ngại nhất về biến thể Omicron là số đột biến của nó. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, hàng loạt biến chủng của nó đã trỗi dậy trong hai năm qua, nhưng phần lớn không làm thay đổi đáng kể hành vi và mức độ gây bệnh của nó. “Đây là biến thể nghiêm trọng nhất kể từ dịch Covid-19 bùng phát tại Anh, chúng tôi đang khẩn cấp tiến hành nghiên cứu về khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng và nguy cơ né tránh vaccine của biến thể Omicron”, Jenny Harries, Giám đốc điều hành Cơ quan Y tế Vương quốc Anh cho biết.
Nhật Bản ngày 29/11 cho biết sẽ ngừng nhập cảnh đối với hầu hết doanh nhân và sinh viên nước ngoài nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến chủng Omicron vào nước này. |
Phát biểu với kênh CNBC cuối tuần trước, chuyên gia dịch tễ Pasi Penttinen, giám đốc ứng phó khẩn cấp y tế công cộng tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, cũng nhận định số đột biến trên protein gai của Omicron là "chưa từng có tiền lệ. Protein gai trên virus chính là mục tiêu của phần lớn vaccine Covid-19 hiện nay, Bởi vậy chúng tôi lo ngại rằng biến chủng này có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với những chủng trước đây” chuyên gia Penttinen lưu ý.
Trong thông báo mới nhất đưa ra hôm 28/11, WHO cho biết họ chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn hay khiến bệnh nặng hơn các chủng khác hay không. "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng cao ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người nhiễm Covid-19 tăng đột biến, chứ không phải do nhiễm cụ thể chủng Omicron", thông báo của WHO nêu rõ. WHO lưu ý rằng xét nghiệm PCR có thể phát hiện chủng Omicron và các nghiên cứu đang tiếp tục được thực hiện nhằm xác định liệu những xét nghiệm kháng nguyên nhanh có bị ảnh hưởng hay không. Theo WHO, việc nghiên cứu mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron "sẽ mất vài ngày đến vài tuần".
Cũng có quan điểm thận trọng như WHO, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron có nguy hiểm hơn các biến thể hiện tại hay không, bởi biến chủng này vẫn còn quá mới và còn quá nhiều bí ẩn.
Trong khi các nghiên cứu tiếp tục đối với biến thể Omicron, WHO khuyến nghị tất cả các quốc gia “nên thực hiện cách tiếp cận dựa trên rủi ro và khoa học, áp dụng các biện pháp có thể hạn chế khả năng lây lan của virus”.
Phát biểu trên đài BBC hôm 27/11, Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm vaccine Oxford, cho rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay có thể vẫn hiệu quả với biến thể Omicron. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được khẳng định rõ ràng trong vài tuần tới sau khi giới khoa học có thêm nhiều dữ liệu để nghiên cứu sâu về chủng mới này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn Y tế Nhà Trắng, ngày 29/11 cảnh báo sự xuất hiện của biến thể Omicron là “lời cảnh tỉnh” đối với những người chưa tiêm vaccine Covid-19. Theo Tiến sĩ Fauci, đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy biến thể này có khả năng lây lan nhanh. Ông Fauci cũng kêu gọi những người đã tiêm đủ liều vaccine được 6 tháng nên tiêm mũi tăng cường để nâng cao khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2./.