KTĐT - Giám đốc điều hành IMF lưu ý rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy hơn 30 triệu người vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, vào thập kỷ tới, trên thế giới có 400 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động cần việc làm.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc ngày 2/11, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, thế giới đang cần một mô hình toàn cầu hóa mới cho một thế giới mới.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế ở Morocco về phát triển con người, Giám đốc Kahn nhấn mạnh thế giới đang bước vào ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới và không thể quay lưng lại với mở cửa và toàn cầu hóa. Vì vậy, mô hình toàn cầu hóa mới cần đảm bảo rằng lợi ích của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ rộng rãi, tăng trưởng và bình đẳng cần song hành với nhau.
Theo ông, thế giới cần tái cân bằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau "bão" tài chính vừa qua hướng tới sự ổn định và công bằng hơn. Các nước thặng dư thương mại cần chuyển mục đích từ tăng cường xuất khẩu sang khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ông cho rằng đầu tư lớn hơn và mạnh hơn vào hệ thống an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho sự tái cân bằng này.
Giám đốc điều hành IMF lưu ý rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy hơn 30 triệu người vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, vào thập kỷ tới, trên thế giới có 400 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động cần việc làm. Cái giá phải trả cho thất nghiệp là rất lớn và một thế hệ người lao động có thể phải gánh chịu hậu quả này.
Ông nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách quốc gia và quốc tế cần chú trọng đầu tư vào công nghệ xanh, phát triển nền kinh tế xanh để giúp tạo nhiều việc làm, giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Nhà lãnh đạo IMF cũng kêu gọi các nước giàu có trách nhiệm đặc biệt đối với các nước nghèo vì khủng hoảng đã cướp đi thành quả của nhiều năm phát triển và có thể khiến nhiều nước bỏ lỡ các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Các nước giàu cần thực hiện cam kết tăng viện trợ phát triển cho các nước nghèo lên mức 0,7% tổng thu nhập quốc dân như đã cam kết tại Hội nghị cấp cao các nền kinh tế phát triển (G-8) năm 2005 và hỗ trợ tài chính để các nước thu nhập thấp đối phó hiệu quả với những thách thức của biến đổi khí hậu./.