Trước sự hoành hành vượt kiểm soát của virus Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với căn bệnh nguy hiểm này. Cùng với đó là một loạt nước Tây Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp do dịch Ebola: Nigeria, Liberia…
Trong một tuyên bố, WHO khẳng định sự lây lan nhanh chóng của virus Ebola là “một sự việc bất thường” và đe dọa tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, khiến gần 1.000 người thiệt mạng, chủ yếu tại 4 quốc gia Tây Phi là Nigeria, Sierra Leon, Guinea và Liberia.
Tuyên bố trên nhấn mạnh một biện pháp quốc tế mang tính liên kết là thực sự cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của virus này trên toàn thế giới.
Trong tình hình dịch Ebola có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế Việt Nam cũng ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với ba kịch bản có thể xảy ra gồm khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế còn đề nghị các cửa khẩu giám sát chặt người nhập cảnh trước tình hình dịch Ebola diễn biến bất thường.
Trước những diễn biến nghiêm trọng, phức tạp của tình hình dịch sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra, sáng 9/8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp khẩn cấp với các Bộ, ngành chức năng để nghe báo cáo, chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch.
Cùng với đó, chiều 8/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký công văn hỏa tốc số 5922/ UBND - VX gửi Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch sốt xuất huyết do virus Ebola.
Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng đã có Công văn khẩn số 800/TCDL-LH, về việc phòng chống dịch bệnh Ebola, đảm bảo an toàn cho khách du lịch gửi Sở VHTT&DL các tỉnh, TP, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và các khách sạn từ 3 đến 5 sao. Công văn yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách sang du lịch các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 4 thập kỷ của căn bệnh này. Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận 1.711 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 932 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi. Đặc biệt đã ghi nhận trên 100 cán bộ y tế đã lây nhiễm virus Ebola.
Được phát hiện lần đầu vào năm 1976 và đặt tên theo một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng khoảng hai phần ba số người nhiễm bệnh, trong đó có hai đợt bùng phát với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ hai đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại.
Hiện bệnh vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Người dân Tây Phi đang chống chọi với dịch bệnh Ebola.
|