Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng thời hiện đại

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực loại bỏ than đá, giữa lúc nhu cầu năng lượng tăng vọt để phục hồi sau đại dịch Covid-19, khiến nhiều khu vực từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Những ngày này, nước Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng, trong khi với phần còn lại của châu Âu, lo ngại về tình trạng thiếu điện vào mùa đông đang gia tăng khi nguồn dự trữ khí đốt dần cạn kiệt. Trung Quốc gần đây đã cảnh báo an ninh lương thực có thể bị đe dọa vì giá than đá tăng vọt ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón. 
Nhiều trạm xăng tại Anh đã thông báo hết nhiên liệu trong tuần này. Ảnh: AP
Tờ Aljazeera cho biết, hàng triệu người ở miền bắc Trung Quốc đã bị cắt điện do tình trạng thiếu điện chưa từng có tiền lệ tại nước này. Các nhà máy phải ngừng hoạt động vì mất điện, còn công nhân nhiều nơi phải nhập viện vì ngộ độc khí CO do hệ thống thông khí không hoạt động.
Trong khi đó, tại Anh, phần lớn các trạm xăng đã thông báo hết nhiên liệu và đóng cửa trong tuần này. Nhiều công ty lọc dầu tạm ngừng hoạt động do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Khắp châu Âu, giá năng lượng cũng liên tiếp lập kỷ lục. Còn tại Mỹ, các nhà sản xuất than và khí đốt đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu khi mà Bắc Bán cầu còn chưa vào mùa đông và nhu cầu sưởi ấm chưa tăng cao.
Vậy đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu là gì? Liệu đây có phải là hậu quả của dịch Covid-19 hay không và có sớm chấm dứt?
Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu năng lượng hiện tại đã tồn tại từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, thực tế là nhu cầu năng lượng của người tiêu dùng và các nhà máy phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong những tháng đầu đại dịch, gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sản xuất.
Nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo trong 5-10 năm vừa qua để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phần lớn thế giới vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống như dầu, than đá và khí đốt. Trong khi đó, nguồn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch lại thiếu, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay.
Ông Jeff Currie - phụ trách nghiên hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs Group, lý giải: “Khí đốt, than, dầu, kim loại, khai mỏ là những thứ thuộc nền kinh tế cũ đang thiếu đầu tư trầm trọng. Chúng tôi gọi đây là sự trả thù của nền kinh tế cũ. Lợi nhuận thấp khiến dòng vốn chảy từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế mới”.
Nhu cầu sử dụng than đá của Trung Quốc tăng cao cũng tác động đến giá mặt hàng này. Lượng than đá mà nước này sử dụng cao hơn tổng lượng sử dụng than đá toàn thế giới. Mặc dù là quốc gia sản xuất than đá hàng đầu thế giới, nhưng thiếu nguồn cung đã buộc Trung Quốc phải phân phối điện và hạn chế sản lượng của các nhà máy. Tại Trung Quốc, giá điện do nhà nước điều phối và cho dù giá than đá tăng kỷ lục, các nhà máy cũng không được tăng giá bán cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, một số nhà máy điện đang thua lỗ càng do dự hơn trong việc tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Tình trạng thiếu nguồn cung than, khí đốt và nước cũng khiến giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu.  Trong bối cảnh mùa đông đang đến gần, nhiệt độ giảm dần ở Bắc Bán cầu, nhu cầu sưởi ấm trở thành tất yếu. Tuy nhiên, các kho dự trữ năng lượng tại châu Âu đang ở mức thấp đáng báo động. Trong khi đó, các nhà máy điện hạt nhân lạc hậu của châu Âu đang bị loại bỏ dần hoặc hoạt động ngày càng kém hiệu quả.
Tại Anh, các nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu xăng có nguyên nhân từ Brexit. Một trong những lý do xăng không được vận chuyển từ cơ sở lưu trữ tới các trạm xăng là vì thiếu lái xe tải. Khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), nước này đã thắt chặt quy định nhập cư để công dân EU không còn được làm việc miễn thị thực tại Anh. Nhiều lái xe tải làm việc ở Anh tới từ các nước châu Âu khác và do thiếu hụt lao động nên các công ty không thể phân phối nhiên liệu cũng như nhiều loại hàng hóa khác.
Trong khi đó, giá khí đốt tại Mỹ dù thấp hơn đáng kể so với châu Âu và châu Á, song đang tiến sát mức cao nhất kể từ năm 2014. Lượng khí đốt dự trữ cũng đang thấp hơn mức trung bình theo mùa. Tổ chức Người tiêu dùng Năng lượng Công nghiệp Mỹ đã yêu cầu Bộ Năng lượng nước này giảm xuất khẩu cho tới khi lượng khí đốt dự trữ trở lại mức bình thường.
Hiện chưa rõ tình trạng thiếu hụt năng lượng này có dẫn tới xu hướng đầu tư trở lại nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không. Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện nay đang tạo ra sức ép đối với các nước khi phải cân bằng nhu cầu năng lượng và đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo./.