Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới gấp rút hành động trước ngưỡng nhiệt nguy hiểm

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong vòng 10 năm tới, nhiệt độ toàn cầu có khả năng vượt qua ngưỡng báo động, buộc các quốc gia phải  hành động ngay lập tức nếu không muốn đẩy trái đất đến bờ vực.

Một nhà máy nhiệt điện được xây dựng vào năm 2017 tại xã Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Nguồn: The Washington Post
Một nhà máy nhiệt điện được xây dựng vào năm 2017 tại xã Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Nguồn: The Washington Post

Mặc dù báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) vào hôm 20/3 cho biết thế giới có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra-kiềm chế nhiệt độ nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) so với thời tiền công nghiệp-vào đầu những năm 2030, tuy nhiên mọi thứ dường như không khả quan đến mức như vậy.

Các nhà khoa học cho biết nếu vượt qua ngưỡng đó, khí hậu sẽ khắc nghiệt đến mức con người khó có thể thích nghi được. Không những vậy, các thành phần cơ bản của trái đất sẽ bị thay đổi và không thể nào quay lại như ban đầu được. Sóng nhiệt, nạn đói và các bệnh truyền nhiễm có thể cướp thêm hàng triệu sinh mạng vào cuối thế kỷ này. IPCC cho biết các hoạt động của con người đã khiến “hành tinh xanh” thay đổi với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, gây ra thiệt hại vô cùng lớn đối với các cộng đồng, hệ sinh thái và làm gia tăng lượng khí thải trên toàn cầu.

Để hạn chế mức tăng của nhiệt độ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres yêu cầu các nước phát triển như Mỹ phải loại bỏ lượng khí thải carbon vào năm 2040 - sớm hơn một thập kỷ so với các quốc gia khác. Không chỉ vậy, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ - dự kiến lần lượt đạt mức 0 ròng vào năm 2060 và 2070 – phải đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm khí thải cùng với các quốc gia phát triển.

Ông cho biết với việc một số quốc gia đang thực hiện các cam kết về khí hậu và các nước đang phát triển phải hứng chịu những thảm họa khí hậu không tương xứng, các nước giàu có trách nhiệm buộc phải hành động khẩn cấp hơn.

Dựa trên báo cáo của IPCC, người đứng đầu tổ chức này Hoesung Lee cho biết nhân loại đã đạt đến mốc quan trọng. Mặc dù, thế giới có tất cả mọi công cụ, trí tuệ và nguồn tài chính cần thiết để đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng sau nhiều thập kỷ coi thường các cảnh báo khoa học và trì hoãn các nỗ lực về khí hậu, cơ hội hành động đang nhanh chóng khép lại.

Cả người đứng đầu Liên Hợp Quốc và IPCC cũng kêu gọi thế giới loại bỏ dần than đá, dầu và khí đốt - những nguyên nhân gây ra hơn 3/4 lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Viễn cảnh khoa học tồi tệ

Báo cáo của IPCC cho thấy loài người đã khiến toàn bộ hệ thống Trái Đất thay đổi hoàn toàn và không có cách nào quay lại được. Khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và hoạt động khác đã làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ít nhất 1,1 độ C (2 độ F) kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp.

Những thay đổi này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với cộng đồng và hệ sinh thái như: suy giảm quần thể cá, gia tăng các bệnh truyền nhiễm, hiện tượng thời tiết cực đoan.

Hậu quả từ sự nóng lên toàn cầu này hóa ra lại lớn hơn dự đoán của khoa học. Điều này có thể là do sở hạ tầng, mạng lưới xã hội và hệ thống kinh tế của con người đặc biệt dễ bị tổn thương dù chỉ với một lượng nhỏ biến đổi khí hậu – Theo Báo cáo biến đổi khí hậu.

Báo cáo cho biết trước đây nhiệt độ tăng lên thường ở các quốc gia nghèo nhất thế giới và các quốc đảo nằm ở vị trí thấp, nhưng khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, thì ngay cả những nơi giàu có nhất và được bảo vệ tốt nhất cũng không thể tránh khỏi.

Vào năm 2018, IPCC nhận thấy rằng việc nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C sẽ an toàn hơn rất nhiều so với việc tăng lên hơn 2 độ C (3,6 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học cho biết nhân loại sẽ phải giảm lượng khí thải carbon để đáp ứng mục tiêu 1,5 độ vào năm 2050 và tránh việc nóng lên quá 2 độ vào năm 2070. Tuy nhiên, sau 5 năm, nhân loại vẫn chưa đạt được mục tiêu nào cả. Báo cáo cho biết nếu các quốc gia áp dụng các chính sách môi trường mới  và tuân thủ các chính sách đã có thì nhiệt độ trung bình toàn cầu cũng sẽ tăng lên 3,2 độ C (5,8 độ F) vào cuối thế kỷ này.

Trong viễn cảnh đó, một đứa trẻ sinh ra sẽ phải chứng kiến mực nước biển dâng cao vài mét, sự tuyệt chủng của hàng trăm loài cũng như sự di cư của hàng triệu người.