Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới không súng đạn trong cư dân?

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, vào ngày 24/5, nước Mỹ rúng động vì vụ xả súng trường học đẫm máu nhất trong gần một thập kỷ qua khi một tay súng 18 tuổi bước vào một trường tiểu học ở Uvalde, Texas, giết chết 19 trẻ em và hai giáo viên bằng súng trường AR-15.

Thảm kịch đã khơi dậy các cuộc tranh luận sôi nổi về kiểm soát súng trên toàn nước Mỹ, đặc biệt là liên quan đến sự sẵn có của vũ khí tấn công bán tự động.

Kinh nghiệm đau thương của các nước

Chỉ một tuần sau khi một người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng bắn chết 51 tín đồ tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, vào tháng 3/2019, Thủ tướng Jacinda Arden đã tuyên bố cải cách sâu rộng về kiểm soát súng, cấm người dân sở hữu các loại súng bán tự động.

Mặc dù vào thời điểm đó, súng đạn trong cư dân của New Zealan không thực sự nhiều, cứ 4 người thì có 1 khẩu súng và chủ yếu được xem như công cụ, được sử dụng bởi nông dân và thợ săn. Lúc đó, các chủ sở hữu súng có 6 tháng để bán vũ khí của họ lại cho chính phủ theo luật mới, và đã có hơn 60.000 khẩu súng bị đưa ra khỏi vòng lưu hành.

Các thành viên trong gia đình và cộng đồng đã đặt 35 bông hoa tưởng niệm các nạn nhân ở Port Arthur (bang Tasmania, Australia) trong lễ tưởng niệm 20 năm vào năm 2016.
Các thành viên trong gia đình và cộng đồng đã đặt 35 bông hoa tưởng niệm các nạn nhân ở Port Arthur (bang Tasmania, Australia) trong lễ tưởng niệm 20 năm vào năm 2016.

Vào tháng 6/2020, quốc gia 5 triệu dân này đã thắt chặt luật súng hơn nữa, giới thiệu một cơ quan đăng ký súng mới để theo dõi việc mua và bán vũ khí, cấp giấy phép có thời hạn ngắn hơn cho những người có giấy phép lần đầu và ra lệnh cấm nhiều loại súng hơn.

Tại Anh, sửa đổi luật liên quan đến sử dụng súng đã trở thành một vấn đề công khai trên toàn quốc khi vào năm 1996, một tay súng đã giết chết 16 học sinh và một người lớn ở thị trấn Dunblane của Scotland bằng một khẩu súng ngắn. Vào thời điểm đó, không có quy định cụ thể nào về súng ngắn ở Anh, vì súng chủ yếu chỉ được sử dụng trên đất tư nhân ở nước này để sử dụng cho mục đích giải trí. Sau áp lực từ gia đình nạn nhân và dư luận xã hội, Chính phủ Anh đã ban hành lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với súng ngắn trong vòng 1 năm, sau đó được mở rộng để áp dụng cho tất cả các loại súng.

Giống như ở New Zealand, Chính phủ Anh đã khởi xướng một chương trình mua lại súng, và được cho là đã mua được 20.000 khẩu từ dân chúng. Trong những năm sau đó, số người chết vì súng ở Anh giảm rõ rệt và nước này chưa trải qua một vụ xả súng tương tự như ở năm 1996.

Australia đã kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn khi vào năm 1996 một tay súng giết chết 35 người bằng súng trường bán tự động ở Port Arthur, Tasmania. Trong vòng hai tuần, cả chính phủ liên bang và các nhà lập pháp tiểu bang đều ủng hộ lệnh cấm đối với súng trường bán tự động. Ít nhất 650.000 khẩu súng đã được chính phủ mua lại và phá hủy bằng cách nấu chảy thành xỉ sắt. Các nhà lập pháp cũng yêu cầu các giấy phép chứng minh “nhu cầu thực sự” để sở hữu vũ khí và tổ chức các khóa học về an toàn vũ khí.

Sau đó, một vụ xả súng giết chết hai sinh viên tại một trường đại học ở Melbourne vào năm 2002 đã dẫn đến những hạn chế hơn nữa: Trừng phạt nghiêm hơn đối với việc sử dụng súng sai mục đích, luật chống buôn bán và hạn chế đối với các loại súng ngắn có thể thuộc sở hữu của thường dân. Kể từ năm 1997, tỷ lệ người Australia có giấy phép sử dụng súng đã giảm gần một nửa, và số vụ giết người bằng súng giảm hẳn.

Nước Mỹ vẫn ngoại lệ?

Mỹ là nước có tỷ lệ người chết vì súng cao nhất trong số các nước giàu - cao hơn Canada 8 lần và cao hơn gần 100 lần so với Anh.

Các vụ xả súng hàng loạt có thể khiến dân chúng Mỹ đau buồn xen lẫn tức giận, tuy nhiên việc hạn chế người dân sở hữu súng đạn vẫn chưa thực hiện được ở cấp liên bang. “Các quốc gia khác trải qua những vụ xả súng kinh hoàng, gây chết người bằng súng trường và họ nói sẽ “Không bao giờ xảy ra nữa”, rồi họ tìm cách thực hiện ý chí đó. Ở Mỹ, chúng tôi cũng nói như vậy nhưng không làm gì để thay đổi cả”, Cassandra Crifasi - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Bạo lực Súng tại Đại học Johns Hopkins, nói với Time.

Mỹ có số lượng súng trên đầu người cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Không giống như các quốc gia khác xảy ra các vụ xả súng hàng loạt gần đây, quyền sở hữu súng ở Mỹ đã ăn sâu vào lịch sử, văn hóa đại chúng và là bản sắc cốt lõi của quốc gia này. Nhưng đa số người Mỹ ủng hộ ít nhất một số quy định về sở hữu súng - theo một cuộc khảo sát của Morning Consult/ Politico được thực hiện vào năm 2021, 84% số cử tri ủng hộ việc kiểm tra lý lịch người mua súng.

Quyền mang vũ khí được đưa vào Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lập luận rằng cải cách về điều luật này có thể đạt được thông qua các cách giải thích khác về Hiến pháp. Việc đưa ra các hạn chế và quy tắc đăng ký đối với quyền sở hữu súng sẽ không vi phạm quyền mang vũ khí, nhưng sẽ tính đến cấm sử dụng các loại vũ khí dùng để giết người hàng loạt như vụ mới xảy ra gần đây ở trường tiều học nói trên.

Bà Cassandra Crifasi chỉ ra hai cải cách quan trọng mà chính phủ liên bang có thể đưa ra sẽ vẫn duy trì quyền hiến định: Đăng ký giấy phép cho quyền sở hữu súng và các lệnh bảo vệ rủi ro cao độ, cho phép tạm thời loại bỏ vũ khí từ chủ sở hữu trong một thời gian cần thiết, như khi người dùng khủng hoảng tâm lý. Một số tiểu bang, bao gồm Illinois và Massachusetts, đã có những quy tắc này. Nhưng việc quy định không có ở mọi tiểu bang, khiến người dùng súng có thể “lách luật” bằng cách di chuyển sang bang chưa quy định.

Ngoài giấy phép bắt buộc, một cách khác để điều chỉnh quyền sở hữu là thông qua cải cách quảng cáo vũ khí quân sự, không cho phép chúng được phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Chỉ vài ngày sau vụ xả súng hàng loạt ở Uvalde, hình ảnh xuất hiện về một quảng cáo súng trên Twitter của Công ty Daniel Defense đã bị xóa. Đáng nói là quảng cáo này đăng hình ảnh một đứa trẻ cầm súng.

Các chuyên gia cho rằng, điều cơ bản để Mỹ không thể đạt được những tiến bộ về kiểm soát súng đạn như những nước khác là do ảnh hưởng quá lớn của các nhà sản xuất súng và những cuộc vận động hành lang về vấn đề này. Bà Cassandra Crifasi cho biết: “Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) chi 3 triệu USD mỗi năm để tác động đến chính sách súng”.

 

Ở Mỹ, trong khi những động lực kinh doanh súng đạn vẫn tồn tại, việc cải cách luật để kiểm soát người dân sở hữu súng đạn chặt chẽ hơn sẽ gặp những trở ngại. Những vụ xả súng hàng loạt như Uvalde vẫn sẽ là cái mà bà Cassandra Crifasi - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Bạo lực Súng tại Đại học Johns Hopkins gọi là “cái giá phải trả của việc kinh doanh”.