“Chảo lửa” Trung Đông ngày càng tăng nhiệt
Tình hình ở Trung Đông đang liên tiếp diễn biến phức tạp sau vụ tấn công các cơ sở lọc hóa dầu của Ả Rập Saudi ngày 14/9 vừa qua. Mỹ cùng Ả Rập Saudi đã công khai cáo buộc Iran đứng sau vụ việc này. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố để ngỏ "mọi sự lựa chọn" trong việc trừng phạt Iran sau vụ tấn công trên.
Tổng thống Trump hôm 20/9 thông báo ông vừa ra lệnh trừng phạt Ngân hàng quốc gia Iran sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa của Ả Rập Saudi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng xác nhận thêm binh lính cùng các hệ thống phòng không Mỹ sẽ tới Vịnh Ba Tư để "tăng cường phòng thủ" cho Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc trên, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của Mỹ. Tình hình trên đang khiến nhiều người lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, thị trường dầu mỏ thế giới đã phải một phen chao đảo. Trong phản ứng tức thời của thị trường, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, sau khi sản lượng khai thác của tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco của Ả Rập Saudi giảm hơn 50% vì hai cơ sở lọc dầu trên phải ngừng hoạt động.
Triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung bị “phủ bóng đen”
Hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung lại tỏ ra khá xa vời khi quan chức Trung Quốc bất ngờ huỷ bỏ chuyến thăm các nông trại tại bang Montana và Nebraska, sau khi kết thúc hai ngày làm việc tại Washington hôm 20/9.
Các quan chức Trung Quốc dự kiến sẽ đến thăm các nông dân Mỹ vào tuần sau như một hành động thể hiện sự thiện chí, song đã huỷ kế hoạch này và quay về nước sớm hơn lịch trình - các tổ chức nông nghiệp ở bang Montana và Nebraska cho biết.
Trong đêm 20/9, Mỹ đã dỡ bỏ thuế quan đối với hơn 400 sản phẩm Trung Quốc, dựa trên đề nghị của các công ty Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ngắn, mô tả hai ngày làm việc là “năng suất” và cho biết một cuộc hội đàm thương mại chính sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Washington theo dự kiến.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng phát hành một tuyên bố sơ lược, cho biết cuộc gặp mặt “có tính xây dựng”, và họ cũng đã bàn bạc về “những sự sắp xếp chi tiết” cho cuộc hội đàm cấp cao vào tháng 10 tới.
Cuộc hội đàm vào đầu tháng 10 sẽ có sự tham gia các nhà đàm phán chủ chốt của cả hai nước: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Việc huỷ bỏ các chuyến thăm nông nghiệp của phái đoàn Trung Quốc, trước đó được kỳ vọng sẽ dẫn đến việc tăng lượng mua đậu tương và thịt lợn Mỹ, đã khiến các chỉ số chính ở Phố Wall giảm điểm khi những lạc quan ban đầu về phiên đàm phán dần tan biến.
Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho Syria
Ngày 16/9, lãnh đạo 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Syria, trong đó tập trung thảo luận tình hình vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib và việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria.
Tuyên bố chung cho biết lãnh đạo 3 nước cũng đã thảo luận về tình hình tại khu vực Đông Bắc Syria và cho rằng chỉ có thể đạt được sự ổn định và an ninh ở khu vực này trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tổng thống 3 nước đồng thời bác bỏ mọi âm mưu nhằm tạo ra “thực tế mới” trên thực địa với cái cớ đấu tranh chống khủng bố, bao gồm các sáng kiến bất hợp pháp về tự trị.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết 3 nước đã nhất trí về cách tiếp cận linh hoạt trên phương diện thúc đẩy nỗ lực hòa bình ở Syria thông qua các giải pháp chính trị. Tất cả các vấn đề đang cản trở việc thành lập một ủy ban hiến pháp cho Syria đã được loại bỏ.
Theo thông tin mới nhất, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố thành phần ủy ban soạn thảo hiến pháp mới của Syria đã được các bên thống nhất. Đây được xem là bước quan trọng để tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, với khoảng 400.000 người đã thiệt mạng.
Truyền thông Triều Tiên công bố toàn văn hiến pháp sửa đổi
Ngày 21/9, trang mạng Naenara của Triều Tiên đã công bố toàn văn bản hiến pháp sửa đổi của nước này, theo đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là nguyên thủ quốc gia chính thức.
Trong bản sửa đổi mới nhất này, Điều 104 quy định những trách nhiệm mới cho Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Triều Tiên - như ban hành luật và bổ nhiệm hoặc triệu hồi các đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là nhà lãnh đạo tối cao “đại diện cho đất nước”.
Hiến pháp mới vẫn quy định Chủ tịch Đoàn chủ tịch SPA đại diện cho đất nước và nhận quốc thư của các phái viên nước ngoài, đồng nghĩa chức danh đại diện cho đất nước chỉ mang tính tượng trưng khi nhận quốc thư.
Ông Kim Jong-un đã tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 4. Cũng tại kỳ họp này, ông Choe Ryong-hae đã được bầu thay thế ông Kim Yong-nam giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch SPA.
Nhân vật mới giữ ghế Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ
Tổng thống Donald Trump ngày 9/9 đăng trên mạng xã hội Twitter rằng ông Bolton không còn làm việc tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tiếp tục đăng trên Twitter tuyên bố ông sẽ bổ nhiệm luật sư kiêm nhà đàm phán con tin Robert O'Brien là nhân vật đảm nhiệm chiếc ghế Cố vấn An ninh Quốc gia do ông John Bolton để trống.
Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ bổ nhiệm luật sư kiêm nhà đàm phán con tin Robert O'Brien là nhân vật đảm nhiệm chiếc ghế Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. |
Quyết định chọn ông O'Brien của Tổng thống Trump diễn ra ở thời điểm “nóng” về vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi, sự kiện mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm. Ông O'Brien từng chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Obama với Iran, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015.
Ngoài ra, ông O'Brien cũng từng cảnh báo về “nỗ lực của Trung Quốc trong mục tiêu đạt năng lực hàng hải tối cao tại Đông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương".
Ông O'Brien là cử nhân Luật tại Đại học California, Berkeley. Ngoài ra, ông O'Brien cũng theo học khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles. Từ năm 1996-1998, ông O'Brien làm việc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.