Cháy kinh hoàng tàn phá nhà thờ Đức Bà Paris
Tối ngày 15/4 (giờ địa phương), một vụ cháy lớn đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris - địa danh nổi tiếng tại trung tâm thủ đô Paris của Pháp.
Sau 8 tiếng, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Hiện các chuyên gia đang đánh giá phần khung đã bị cháy đen của nhà thờ này để cân nhắc những bước đi tiếp theo nhằm cứu những phần còn sót lại sau thảm họa.
Cấu trúc của nhà thờ có niên đại 850 năm được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá do đám cháy. Đỉnh mái của nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh đã đổ sập.
Văn phòng công tố Paris cho biết đã mở ra cuộc điều tra về nguyên nhân vụ hỏa hoạn tồi tệ này. Dường như ngọn lửa đã bùng phát từ công trường cải tạo phần đỉnh mái của Nhà thờ. Dự án tôn tạo Nhà thờ Đức Bà Paris, bị xuống cấp nghiêm trọng và nằm trong danh sách 250 di sản của Pháp đang trong tình trạng nguy hiểm, đã bắt đầu từ tháng 8-2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm.
Cảnh sát và công tố viên Pháp đang nghiêng về khả năng “sơ ý gây hỏa hoạn”, đồng thời loại bỏ nguyên nhân phóng hỏa hoặc khủng bố.
Công khai chi tiết báo cáo điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Bản báo cáo dài 448 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 đã được công khai hôm 18/4.
Báo cáo khẳng định cuộc điều tra "không xác định được rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị hoặc chỉ đạo các lãnh đạo cơ quan tình báo phải ngừng hay can thiệp vào cuộc điều tra về Nga (can thiệp bầu cử) của FBI" cũng như không kết luận nhà lãnh đạo có gây cản trở công lý hay không.
Mặc dù không đưa ra cáo buộc nhằm vào ông chủ Nhà Trắng, nhưng bản báo cáo vẫn cho rằng Nga đã tài trợ một số nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Chính phủ Nga hôm 19/4 lên tiếng bác bỏ báo cáo điều tra và cho rằng bản báo cáo này đã không thể chỉ ra "bằng chứng hợp lý" về bất cứ sự can thiệp.
Trong quá trình điều tra kéo dài gần 2 năm qua, ông Mueller đề nghị truy tố 34 người, trong đó có 6 trợ lý, cố vấn của Tổng thống Trump cùng 25 công dân Nga. Tuy nhiên, không ai trong số này bị cáo buộc những tội danh liên quan trực tiếp đến can thiệp tiến trình bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Báo Nga tiết lộ địa điểm có thể tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều
Tờ Izvestia dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều Tiên sẽ diễn ra vào tuần tới tại TP vùng Viễn Đông Vladivostok.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/4 cho biết, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tới Nga trong tháng này và có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.
Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều Tiên lần đầu tiên kể từ sau chuyến thăm Nga của Nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi năm 2011. Phía Nga không công bố chính xác địa điểm cuộc gặp vì lý do an ninh.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều Tiên có thể sẽ diễn ra vào tuần tới tại TP vùng Viễn Đông Vladivostok. |
Tuy nhiên, tờ Izvestia của Nga dẫn nguồn tin ngoại giao đưa ra trước đó cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều Tiên sẽ diễn ra vào tuần tới tại TP vùng Viễn Đông Vladivostok trước khi ông Putin rời Nga tới tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc trong hai ngày 26-27/4 tới.
Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thăm Nga trong 3 ngày, từ ngày 24/4 tới. Kyodo dẫn các nguồn chính thức cũng cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tới Nga bằng tàu hỏa và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Tổng thống Putin sẽ diễn ra trên đảo Russky, ngoài khơi TP Vladivostok.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị liệt vào danh sách tổ chức khủng bố
Mỹ đã chính thức đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuyên bố này lập tức đã bị Iran lên án và làm dư luận dấy lên lo ngại về các vụ tấn công trả đũa nhằm vào các lực lượng Mỹ.
Quan hệ Mỹ-Iran đang leo thang căng thẳng sau khi Tổng thống Trump ngày 8/4 thông báo sẽ liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố, động thái bị cho là sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông.
Bước đi chưa từng có tiền lệ này của Mỹ được dự báo sẽ khiến quan hệ giữa hai bên thêm căng thẳng và có thể làm phức tạp tình hình tại Trung Đông. Trong phản ứng ngay sau quyết định của Tổng thống Trump, Iran cũng tuyên bố coi các lực lượng Mỹ đóng tại khu vực Trung Đông là lực lượng khủng bố.
Việc coi IRGC là một tổ chức khủng bố sẽ cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, do sự tham gia của IRGC vào nền kinh tế Iran.
Xung đột ở Libya có thể gia tăng
Các cuộc giao tranh khốc liệt vẫn tiếp diễn trong suốt hai tuần qua giữa lực lượng của chính phủ hòa giải Libya được quốc tế công nhận và lực lượng Quân đội quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar kiểm soát miền Đông chỉ huy.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc trong cuộc họp ngày 18/4 đã không thể đưa ra được một chiến lược rõ ràng nhằm yêu cầu các bên ở Libya ngừng bắn.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết đã có hơn 200 người thiệt mạng do các cuộc giao tranh tại thủ đô Tripoli trong 2 tuần qua. |
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng.
Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.