Thế giới trong tuần: Mâu thuẫn Mỹ - Trung phủ bóng Đối thoại Shangri-La 2019

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại Shangri-la khai mạc giữa tâm bão tranh chấp thương mại Mỹ Trung; Thủ tướng trẻ nhất châu Âu bị phế truất... là các sự kiện nổi bật nhất trong tuần.

Căng thẳng Mỹ - Trung "đốt nóng" Đối thoại Shangri-La 2019
Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019 bắt đầu với “tâm điểm” là những căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019.
Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 18 - diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đã chính thức khai mạc tối 31/5 tại Singapore. Đối thoại lần này thu hút số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay, gồm các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 30 bộ trưởng và thứ trưởng quốc phòng.
Là một diễn đàn chuyên xem xét, thảo luận các vấn đề về hòa bình và an ninh, song Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra từ 31/5 tới 2/6 lại bị bao phủ bởi những vấn đề khác. Trong đó, “tâm điểm” là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như cuộc chiến công nghệ khi chính quyền Tổng thống Donlad Trump đang tung đòn đánh nặng nề vào gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Sáng 1/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tiếp tục với hai phiên thảo luận toàn thể về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và an ninh Bán đảo Triều Tiên.
Tại phiên thảo luận toàn thể này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu với chủ đề "Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Trong phát biểu, ông Shanahan cho biết Trung Quốc là đối tác hợp tác lớn nhất, song cũng là nước cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Shanahan, sự cạnh tranh sẽ không dẫn đến đối đầu, mà giúp các bên cùng phát triển.
Dự kiến vào sáng 2/6, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa sẽ nói về vai trò của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo trang mạng theworldnews.net, tranh chấp trên Biển Đông sẽ trở thành vấn đề nổi bật khi Trung - Mỹ đối đầu tại Đối thoại Shangri-La, nhưng trong bối cảnh như hiện nay, Mỹ và Trung Quốc sẽ khó đạt được bất kỳ nhượng bộ nào.
Thủ tướng trẻ nhất châu Âu bị phế truất
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và chính phủ bảo thủ ngày 28/5 bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, chỉ vài ngày sau khi Phó thủ tướng Heinz-Christian Strache xin từ chức vì bê bối trao đổi với đối tác Nga để đổi lấy sự ủng hộ trong bầu cử quốc hội Áo hai năm trước.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz vừa bị phế truất hôm 28/5 vừa qua.
Ông Sebastian Kurz, 32 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất châu Âu khi lên nắm quyền cuối năm 2017.
Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ngày 30/5 cho biết ông đã lựa chọn Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Brigitte Bierlein làm Thủ tướng lâm thời của nước này. Với quyết định này của Tổng thống Van der Bellen, nước Áo sẽ có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.
Bà Brigitte Bierlein hiện gần 70 tuổi - độ tuổi bắt buộc nghỉ hưu trong ngành tòa án. Bà sẽ có nhiệm vụ thành lập nội các mới với sự ủng hộ của Quốc hội cho đến khi nước Áo tiến hành bầu cử, dự kiến vào tháng 9 tới. 
Mỹ, Israel, Nga sẽ họp 3 bên về Syria
Một hội nghị ba bên giữa các cố vấn an ninh quốc gia của Israel, Mỹ và Nga sẽ được tổ chức tại Israel vào tháng 6 tới nhằm thảo luận cách thức giải quyết các vấn đề an ninh tại khu vực, đặc biệt là tình hình Syria.
Nhà Trắng thông báo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat và Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolay Patrushev, sẽ gặp nhau tại Jerusalem để “thảo luận các vấn đề an ninh khu vực”.
Cuộc xung đột nổ ra ở Syria từ năm 2011 đã khiến hơn 370.000 người thiệt mạng.
Ngày 29/5 vừa qua, Đặc phái viên của Mỹ về Syria, ông Jim Jeffrey cho biết Mỹ và Nga đã tiến hành đàm phán về khả năng đưa Syria thoát khỏi tình trạng bị quốc tế cô lập hiện nay, nếu Damacus đồng ý với một số điều kiện, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib.
Cuộc xung đột nổ ra ở Syria từ năm 2011 đã khiến hơn 370.000 người thiệt mạng và hàng triệu người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định tại quốc gia Trung Đông đang được thúc đẩy sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi quốc gia này.
Leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Chỉ hai tuần sau khi Washington tuyên bố đưa tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc vào “danh sách đen”, Bắc Kinh hôm 31/5 cũng tuyên bố nước này sẽ lập một danh sách tương tự.
Theo đó, các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” nếu không tuân thủ các quy định thị trường, đi ngược lại quy tắc trong hợp đồng hay phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại và gây hủy hoại nghiêm trọng quyền chính đáng và lợi ích của doanh nghiệp nước sở tại.
Ngày 1/6, Mỹ đã bắt đầu tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD.
Với thất bại của vòng đàm phán thương mại mới nhất, Mỹ và Trung Quốc ngày 1/6 bắt đầu áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Ngày 1/6, Mỹ đã bắt đầu tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD.
Trong khi đó, cùng ngày, Trung Quốc đã điều chỉnh tăng thuế lên 10%, 20% và thậm chí là 25% đối với hơn 5.000 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trong danh mục 60 tỷ hàng hóa đã áp thuế trước đó.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy dù đã trải qua 11 vòng đàm phán, song các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đi tới đâu.
Philippines trả rác thải về Canada
69 container rác gửi trái phép tới Philippines trong giai đoạn 2013 - 2014 được chất lên một chiếc tàu hàng lớn để bắt đầu hành trình trở về Canada.
Theo tổ chức môi trường EcoWaste, 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt không thể tái chế được một công ty nhập từ Canada vào Phillippines trong giai đoạn trên. Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines, nhưng các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo.
69 container rác gửi trái phép tới Philippines trong giai đoạn 2013 - 2014 được chất lên một chiếc tàu hàng lớn để bắt đầu hành trình trở về Canada.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày càng có quan điểm quyết liệt hơn đối với vấn đề rác thải nhập khẩu. Philippines và Canada đã có một cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai nước về xuất khẩu rác thải, khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước đi xuống nghiêm trọng.
Với việc trả rác về Canada, Philippines là quốc gia mới nhất ở khu vực Đông Nam Á thể hiện quan điểm cứng rắn với các nước giàu về vấn đề rác thải. Giới quan sát cho rằng, nhiều nước Đông Nam Á giờ đây không còn chấp nhận việc khu vực này bị coi như “bãi rác” của các nước phát triển.
Trước đó, Malaysia - nước nhập khẩu rác nhiều thứ 2 thế giới sau Trung Quốc - cũng tuyên bố trả 3.000 tấn rác về các nước mà số rác được xuất đi.